TT-Huế: Phế liệu ‘mắc cạn’ giữa khu dân cư, tỉnh phải xin ý kiến Bộ TNMT?

Dự án khu quy hoạch tập trung kinh doanh phế liệu phường Thủy Châu hiện bỏ hoang lãng phí sau khi hoành thành xây dựng do vướng Luật đất đai khi đấu giá thuê đất. Tỉnh TT-Huế sẽ xin ý kiến Bộ TNMT để có hướng xử lý dứt điểm.
Dự án khu quy hoạch tập trung kinh doanh phế liệu phường Thủy Châu hiện bỏ hoang lãng phí sau khi hoành thành xây dựng do vướng Luật đất đai khi đấu giá thuê đất. Tỉnh TT-Huế sẽ xin ý kiến Bộ TNMT để có hướng xử lý dứt điểm.
TPO - Ngày 6/7, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công văn chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin Dự án tiền tỷ “mắc cạn”, rác phế liệu tấn công khu dân cư, vây trạm y tế tại thị xã Hương Thủy. Đối với dự án quy hoạch phế liệu, tỉnh sẽ xin ý kiến Bộ TN&MT để có hướng giải quyết dứt điểm.

Trước đó, như Tiền Phong thông tin, hơn một năm nay, khu quy hoạch tập trung các cơ sở thu mua phế liệu phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) đã hoàn thành đầu tư xây dựng, với tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng chục hộ kinh doanh phế liệu ở Thủy Châu vẫn chưa thể chuyển đi. “Rác” phế liệu tiếp tục gây nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh của trạm y tế phường.

TT-Huế: Phế liệu ‘mắc cạn’ giữa khu dân cư, tỉnh phải xin ý kiến Bộ TNMT? ảnh 1

Rác vây trạm y tế phường.

Theo chính quyền thị xã Hương Thủy, nguyên nhân hộ kinh doanh phế liệu tại phường Thủy Châu chưa thể dời đi là do việc sử dụng khu quy hoạch rộng 1,47ha vừa đầu tư bị vướng quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, căn cứ Luật Đất đai hiện nay, mọi người đều có thể tham gia đấu giá thuê đất. Như vậy, các cá nhân, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác cũng có thể về Thủy Châu tham gia đấu giá thuê đất. Từ đó, mục đích ban đầu của dự án lập ra để di dời các điểm kinh doanh phế liệu gây nguy cơ cháy, nổ, ô nhiễm môi trường ở Thủy Châu về khu tập trung sẽ không được thực hiện triệt để.

TT-Huế: Phế liệu ‘mắc cạn’ giữa khu dân cư, tỉnh phải xin ý kiến Bộ TNMT? ảnh 2

Liên quan nội dung Tiền Phong đăng tải trước đó về "rác" phế liệu tấn công khu dân cư, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo lãnh đạo tỉnh. Trong ảnh: "rác" phế liệu chất cao vượt cả hàng rào HTX NN Thủy Châu.

Mặt khác, mới đây, ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Sở TN&MT cũng như UBND tỉnh TT-Huế về vấn đề đấu giá đất nhà nước cho thuê có thời hạn tại khu quy hoạch Thủy Châu. Tuy nhiên, kiến nghị này chậm được giải quyết.

Liên quan vấn đề nêu trên, theo Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, đối với văn bản xin ý kiến của UBND thị xã Hương Thủy về phương án đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất khu hạ tầng kỹ thuật di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại phường Thủy Châu (ban hành ngày 24/04/2020), Sở TNMT tỉnh đã có công văn số 814/STNMT-QLĐĐ về việc góp ý phương án đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất khu hạ tầng kỹ thuật di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Hiện nay, UBND thị xã Hương Thủy đang tổng hợp, hoàn thiện phương án đấu giá.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế vừa mới ban hành Công văn số 5499/UBND-GT về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo Tiền Phong phản ảnh tình trạng dự án tiền tỷ “mắc cạn”, rác phế liệu tấn công khu dân cư, “vây” Trạm y tế phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thị xã Hương Thủy kiểm tra, làm rõ các vấn đề theo bài báo phản ánh; nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nêu trên; đề xuất giải pháp và kế hoạch xử lý, khắc phục đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường khu vực, đặc biệt là Trạm Y tế phường Thủy Châu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/7/2020.

Để xử lý dứt điểm việc di dời các hộ chuyên kinh doanh phế liệu tại phường Thủy Châu và sử dụng bảo đảm theo mục tiêu dự án đối với khu hạ tầng kỹ thuật di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của phường, UBND tỉnh TT-Huế sẽ làm việc và xin chủ trương, ý kiến Bộ TNMT nhằm đưa ra quyết định cuối cùng.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.