TS. Lê Hồng Quang: Thẩm phán phải thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người dân

TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC. Ảnh Như Ý
TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TANDTC. Ảnh Như Ý
TPO - “Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm”.

Ngày 27/1, tại phiên thảo luận Đại hội XIII của Đảng, TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao đã tham luận chủ đề phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Theo TS. Lê Hồng Quang, cách đây hơn 70 năm, tại Hội nghị cán bộ tư pháp toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người; do vậy, Người căn dặn “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

“Trước đây, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân. Nhưng với tư duy đổi mới, Tòa án giúp dân chính là mang lại công bằng cho người dân. Do đó, các phán quyết của Tòa án không chỉ căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong xét xử hình sự, bản án của Tòa án không những áp dụng chế tài trừng trị, răn đe người phạm tội, mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục và phòng ngừa chung”, ông Quang cho hay.

TS. Lê Hồng Quang cho rằng, qua cải cách, Tòa án thể hiện sự “gần dân” ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính - tư pháp; minh bạch trong ban hành, công bố bản án, quyết định và phát triển án lệ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…để người dân tiếp cận hoạt động tố tụng từ xa.

“Ngày nay, với sự giúp sức của internet và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khoảng cách gần dân về địa lý, về thể chất dần thay thế bằng việc phục vụ người dân ngay trên môi trường mạng; Tòa án tương tác với người dân ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào mà không cần phải đến trụ sở Tòa án”, TS. Lê Hồng Quang cho hay.

Bên cạnh đó, theo Phó Chánh án, Tòa án giải quyết, xét xử các tranh chấp trong dân trên nền tảng pháp luật, nhưng không tách rời đời sống hàng ngày nên cần phải “hiểu dân” tường tận. “Thẩm phán giờ đây không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra được phán quyết công tâm, có sức thuyết phục”, TS. Lê Hồng Quang nói.

Bên cạnh thành tựu đạt được, Phó Chánh án thẳng thắn cho rằng, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân là gốc” trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại nhất định. Điển hình như việc cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động tư pháp cần nỗ lực nhiều hơn nữa; vai trò giám sát chưa phát huy hết thế mạnh; pháp luật về tố tụng còn bất cập.

Tại phiên thảo luận, đại diện ngành TAND đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải cách tư pháp trong thời gian tới. Trong đó xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Đồng thời xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân phục vụ.

“Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, tinh gọn, hiệu quả”, TS. Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.