Trung Quốc: Tình yêu thua tiền cheo

Một đám cưới nông thôn.
Một đám cưới nông thôn.
TP - Trước yêu cầu của nhà người yêu, A Đông đêm nào cũng mất ngủ: mới ra trường, đi làm được mấy năm, đào đâu ra tiền để mua nhà?

A Đông, 30 tuổi, một nhân viên công ty ở Hàng Châu bàn với Tiểu Thanh việc đính hôn. Tiểu Thanh đồng ý ngay vì họ yêu nhau đã 6 năm và đã “sống thử” nhiều tháng. Thế nhưng, khi Tiểu Thanh vui mừng gọi điện về thông báo và xin ý kiến cha mẹ ở quê thì bà mẹ nói ngay điều kiện để cưới: A Đông phải có nhà ở Hàng Châu và 80 ngàn tệ (260 triệu VND) tiền mặt đặt lễ, hoặc chí ít cũng có nhà ở phố huyện, bằng không đừng có nói chuyện cưới xin. Trước yêu cầu của nhà người yêu, A Đông đêm nào cũng mất ngủ: mới ra trường, đi làm được mấy năm, đào đâu ra tiền để mua nhà?

“Vạn tử, thiên hồng, nhất động, bất động”

Những trường hợp tình yêu đầu hàng trước nạn thách cưới như A Đông hiện đã trở nên phổ biến ở khắp các tỉnh thành, cả thành thị và nông thôn, thậm chí nông thôn còn nặng hơn. Mức thách cưới của gia đình Tiểu Thanh vẫn là “nhẹ nhàng” so với mức chung hiện nay. 

“Vạn tử, thiên hồng, nhất động, bất động” là câu nói khái quát về “hạn ngạch” thách cưới hiện nay, nhưng đối với các chàng trai muốn lấy vợ, đó quả là ngọn núi cao khó vượt qua được. “Vạn tử”, nghĩa là 10 ngàn tờ bạc 5 tệ màu tím (tức 50 ngàn tệ), “Thiên hồng” là 1.000 tờ bạc 100 tệ màu đỏ (100 ngàn tệ), “nhất động”: một xe ô tô, cộng thêm “bất động”: một căn nhà.

Một tài xế taxi khi được phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc hỏi thăm chuyện vợ con đã buồn rầu: “Tôi vừa ở quê lên, bây giờ muốn lấy vợ ở quê cũng khó, không những tiền cheo mấy trăm ngàn, lại còn đòi xe, đòi nhà ở phố, chả khác nào lấy vợ ở thành phố lớn. Cả đời tôi chắc chẳng thể lấy được vợ mất!”. Rồi anh ta than vãn: “Mấy năm nay giá nhà tăng, giá xăng tăng, cân nặng cơ thể tăng, cái gì cũng tăng, chỉ tiền lương không tăng. Đến tiền thách cưới cũng đua nhau tăng, nhà nọ thách hơn nhà kia. Chắc ế vợ mất!”. 

Quả thật mức tiền thách cưới ở Trung Quốc gần đây tăng đến chóng mặt. Người Trung Quốc có thói quen dùng cách chơi chữ để nói về tiền thách cưới. Năm 2012 là “tứ bình bát ổn” (48 ngàn tệ), 2013 là “thuận phát” (68 ngàn), sau thành “phát phát” (88 ngàn), rồi cuối năm thành “thập toàn thập mỹ” (100 ngàn); năm 2014: “tam cân tam lạng” (số cân nặng số giấy bạc 100 tệ, tức khoảng 136 ngàn đến 143 ngàn tệ); 2015: “vạn tử thiên hồng nhất phiến lục” (10.000 tờ tím 5 tệ + 1000 tờ đỏ 100 tệ + 600 tờ xanh 50 tệ, tức 180 ngàn tệ), sang năm nay thì phát triển thành thêm xe (khoảng 100 ngàn trở lên) và nhà (120m2 trở lên).

Tiền cheo theo học lực, bà góa cũng đắt hàng

Tại huyện Chính Ninh, Cam Túc có một nơi gọi là “chợ người”, còn gọi là “chợ mai mối”, thực ra đó là một văn phòng môi giới hôn nhân. Trong con mắt những người mai mối, những chàng trai “chất lượng” phải là: có nhà trên phố, việc làm ổn định, con độc nhất, nhà không nợ nần. Khi những người đến nhờ mai mối tìm vợ chê số tiền cheo 150 ngàn tệ quá cao, nhân viên văn phòng liền nói: “Nếu đưa ít hơn, nhà gái sẽ cho rằng anh xem thường con gái họ (!?)”.

Có nơi, mức giá tiền cheo được tính theo học lực của cô dâu. Tại Lữ Lâu, Hà Nam có một “chợ hôn nhân”, tiền cheo được tính như thế. Mức giá thông thường là: đại học 150 ngàn, cao đẳng 120 ngàn, trung học 100 ngàn. Lý do là: “nuôi con gái ăn học tốn kém, phải vay, khi gả con phải thu hồi vốn (!)”.

Điều không thể tin nổi là hiện nay phụ nữ ở nông thôn đã trở nên rất khan hiếm. Có bà mối kể với phóng viên báo chuyện “bà góa cũng trở thành “hàng bán chạy”, có con rồi mang theo cũng chẳng sao, nhưng tất nhiên không phải bé trai. Ở thôn nọ có một góa phụ 29 tuổi, chồng chết năm ngoái vì tai nạn giao thông.

 Cô ta dẫn theo 2 con gái về nhà mẹ, thế là gây xôn xao mấy làng xung quanh. Trong thời gian ngắn đã có mười mấy đám tìm đến mối manh, mà toàn là các giai tân mới ngoài 20 tuổi. Trước đây phụ nữ bỏ chồng là chuyện xấu xa, mất mặt cha mẹ; bây giờ phụ nữ bỏ chồng vẫn lớn tiếng thách cưới, các cô gái trẻ thì càng cao giá”.

Điều khác thường nữa là, mấy năm gần đây, càng những nơi nghèo thì tiền thách cưới lại càng cao. Tình yêu hôn nhân đã mang sắc thái quy luật thị trường trần trụi. Chuyện các bậc cha mẹ nông thôn để cưới vợ cho con phải vay nặng lãi đã là điều bình thường. Có làng nay hình thành tập quán, nhà nào mới cưới con dâu, người ngoài hễ gặp mặt đều hỏi “mua mất bao nhiêu tiền?”, nghe thật bi ai, chẳng còn đâu là tình yêu đẹp đẽ! 

Tháng 3 năm 2015, một thanh niên ở huyện Kinh Xuyên, tỉnh Cam Túc đã viết thư ngỏ gửi ông Bí thư tỉnh ủy Vương Tam Vận đưa lên mạng xã hội, đặt câu hỏi: “Tiền thách cưới hôn nhân quá cao, đã đến mức 200-300 ngàn tệ, thanh niên nông thôn chịu áp lực rất lớn, các vị lãnh đạo tỉnh có giải quyết giúp được không?”.

Sở dĩ có tình trạng này ở nông thôn là bởi: Nếu một cặp vợ chồng đẻ con gái thì dứt khoát sẽ tìm cách sinh đứa thứ hai, nếu sinh con trai rồi thì mới thôi; nên nam nhiều, nữ ít là điều tất nhiên, các cô gái không phải lo chuyện lấy chồng. 

Nếu là phụ nữ thì dù xấu hay đẹp cũng lấy được chồng; còn nhà có con trai thì khốn khổ trong việc cưới con dâu, tích cóp tiền rồi lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Sau 30 năm thực hiện chính sách kế hoạch sinh đẻ, trong dân số ở độ tuổi sinh sản, đàn ông đã nhiều hơn nữ tới 30 triệu. Tóm lại, đây là hậu quả của lề thói trọng nam khinh nữ, của hiếm thì sẽ đắt giá, đó là quy luật. 

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.