Trung Quốc đối phó với già hóa dân số

0:00 / 0:00
0:00
Thụ tinh trong ống nghiệm đang là sự lựa chọn đối với nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc
Thụ tinh trong ống nghiệm đang là sự lựa chọn đối với nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc
TP - Gần đây, cơ quan hữu quan Trung Quốc cho biết hiện có tới hơn 50 triệu cặp vợ chồng vô sinh (hiếm muộn con), tức là cứ 6 cặp vợ chồng thì có một cặp vô sinh, một con số cao kỷ lục.

Để giải quyết vấn đề khủng hoảng dân số, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở hỗ trợ sinh sản ở 12 tỉnh, thành như Thượng Hải, Hà Bắc, Hà Nam, Thiên Tân, Quý Châu, An Huy, Thiểm Tây, Sơn Tây…

Theo số liệu do Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến ngày 30/6/2020, toàn Trung Quốc đã có 523 cơ sở y tế hỗ trợ sinh sản hợp pháp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là Hiệp hội Dân số Trung Quốc và Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia đã công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc đã tăng từ 2,5% năm 1995 lên 12% năm 2007 và 18% năm 2020. Hiện cả nước có khoảng 50 triệu người bị vô sinh (hiếm muộn) và con số đang có xu thế gia tăng.

Trung Quốc đối phó với già hóa dân số ảnh 1

Kết hôn mà không thể sinh con đang trở thành một vấn đề xã hội ở Trung Quốc

Sau khi Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ngày 31/5/2021 quyết định cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nước này đã tích cực đưa ra một số chính sách khuyến khích sinh con nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề ngày càng nghiêm trọng là già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh.

Theo “Niên giám Thống kê Trung Quốc năm 2021” vừa được công bố trên trang web chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2020 là 8,52 phần nghìn, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 10 phần nghìn, một kỷ lục thấp nhất kể từ năm 1978. Đồng thời, số liệu thống kê chính thức về số lượng đăng ký kết hôn năm 2020 là 8.143.300 cặp, giảm 1,13 triệu so với năm 2019. Đây cũng là mức giảm trong 7 năm liên tiếp kể từ khi đạt mức cao nhất 13.469.300 cặp vào năm 2013.

Vì lý do này, vào tháng 9/2021, các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc bắt đầu tuyên truyền quảng bá cho các cơ cấu hỗ trợ sinh sản và trẻ sơ sinh trong ống nghiệm, nhưng công chúng có vẻ không mấy hứng thú với sự tuyên truyền này.

Một số người chỉ trích các vấn đề như tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng thực phẩm không đảm bảo, áp lực công việc… đã dẫn đến nhiều người bị vô sinh; một số khác lại phàn nàn rằng thụ tinh trong ống nghiệm không chỉ tỷ lệ thành công thấp mà chi phí rất tốn kém và gây ra nhiều đau khổ cho phụ nữ.

Tiến sĩ Dịch Phúc Hiền, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc tại Đại học Wisconsin (Mỹ) cho rằng, mặc dù chính phủ Trung Quốc đang làm những gì chính phủ Nhật Bản đã làm trước đây về vấn đề khuyến khích sinh con, nhưng không chi nhiều tiền như chính phủ Nhật Bản, không thể chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí cho công dân.

Trên thực tế, vấn đề dân số đã trở thành một trong những chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Theo kết quả điểu tra của Tổ điều tra dân số của Quốc vụ viện và Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy dân số Trung Quốc đã vượt quá 1,4 tỷ người vào năm 2020, trong đó 12 triệu người được sinh trong năm 2020, giảm tới 33% so với năm 2016 - khi chính sách sinh con thứ hai mới được áp dụng; trở thành năm có số trẻ mới sinh và tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1949.

“Chính sách (sinh) một con” do Trung Quốc thực hiện vào cuối những năm 1970 không chỉ gây mất cân bằng giới tính nam và nữ nghiêm trọng , mà còn khiến lực lượng lao động giảm dần theo từng năm. Hãng tin Bloomberg từng chỉ ra rằng Trung Quốc đang phải trả một cái giá kinh tế rất lớn cho chính sách “kế hoạch hóa gia đình” kéo dài 36 năm. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc thậm chí còn đăng một bài xã luận nói rằng “sinh con hiện không còn là chuyện của mỗi gia đình, mà là quốc gia đại sự”.

Theo Báo cáo điều tra dân số năm nay, dân số từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc là 264,02 triệu người, chiếm 18,70%, tăng 5,44% so với 10 năm trước. Cần lưu ý rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có hơn 100 triệu người cao tuổi. 200 triệu người cao tuổi tương đương với tổng dân số của Indonesia, nhiều hơn dân số của các nước Brazil, Nga và Nhật Bản.

Về vấn đề này, Tô Nguyệt, nhà phân tích chính của Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU), từng nói rằng chính sách mở cửa sinh con thứ hai ngay lập tức của Trung Quốc cũng không làm thay đổi sự suy giảm nhanh chóng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc.

Dự báo của Tiến sĩ Dịch Phúc Hiền ở Viện nghiên cứu Đại học Madison, Wisconsin thậm chí còn bi quan hơn. Ông cho rằng với sự phát triển kinh tế, tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, cộng với kế hoạch hóa sinh đẻ trong thời gian dài, dẫn đến tốc độ suy giảm dân số Trung Quốc theo chiều thẳng đứng, và nguy cơ già hóa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

MỚI - NÓNG