Trung Quốc có đủ khả năng soán ngôi Mỹ?

Trung Quốc có đủ khả năng soán ngôi Mỹ?
TP - Một điều tra vừa công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy tại 23/39 quốc gia được khảo sát, phần lớn trả lời Trung Quốc đã sẵn sàng hoặc sẽ sớm trở thành “siêu cường lãnh đạo thế giới”. Thậm chí ở Mỹ, chỉ có 47% tin rằng Mỹ vẫn giữ vai trò này.

> Khi nào Trung Quốc vượt Mỹ?
> Trung Quốc - Chủ nợ Mỹ có sướng?

New York Times nhận định, mặc dù ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tăng lên (hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của 124 quốc gia, trong khi Mỹ chỉ với 76 nước), song quyền lực cũng như ảnh hưởng của nước này đối với các quốc gia khác lại rất hạn chế. Tiếng nói của Trung Quốc chỉ có sức nặng ở một số nước như CHDCND Triều Tiên, Campuchia, Lào. Trung Quốc cung cấp tới 90% năng lượng và 80% hàng hóa tiêu thụ cho Triều Tiên. Theo New York Times, đó không phải mô thức đồng minh, có thể giúp một cường quốc mới nổi mở rộng tầm ảnh hưởng.

Theo báo Mỹ, các chính phủ khăng khít với Trung Quốc nhất có thể kể đến Pakistan và Myanmar, nhưng việc Trung Quốc cải thiện quan hệ với Ấn Độ, hoặc xu hướng muốn can thiệp sâu vào nội tình chính trị phức tạp của Pakistan khiến hai nước khó thân mật thêm nữa. Còn Myanmar ngày càng xa rời Trung Quốc. Những cởi mở gần đây về chính trị và kinh tế đã báo hiệu quốc gia Đông Nam Á này đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác quốc tế, nhằm tránh phụ thuộc sâu hơn vào Bắc Kinh.

Trung Quốc còn có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế ở một số nước như Sudan, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, hoặc về chính trị như ở Iran, Syria, Venezuela… Nhưng các nước này hoặc là có tình trạng tham nhũng quá nghiêm trọng nên các nước phương Tây không muốn bắt tay làm ăn, hoặc có quan hệ trục trặc với Mỹ nên buộc phải tìm chỗ dựa khác, New York Times nhận định.

Nga cần có một khách hàng với túi tiền lớn mua dầu và khí đốt của mình, nhưng sự cạnh tranh gay gắt về thương mại và chính trị với Trung Quốc từ thời Liên Xô vẫn phảng phất trong mối quan hệ Nga-Trung ngày nay. Và nỗi ám ảnh của Nga đối với tình trạng người Trung Quốc nhập cư vào vùng Siberia dân cư thưa thớt cũng là một nguyên cớ ngăn ngừa mối quan hệ mật thiết thực sự giữa hai nước, báo Mỹ nhận định.

Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (cơ quan tư vấn rủi ro chính trị hoạt động ở nhiều nước), nhận định, nền kinh tế và chính trị dễ tổn thương ở các quốc gia kể trên một ngày nào đó có thể kết hợp thành những điểm yếu nội tại của Trung Quốc. Bởi lẽ những quốc gia như vậy có thể lôi đối tác lún sâu vào khủng hoảng của họ. Theo Bremmer, Trung Quốc muốn có một bán đảo Triều Tiên ổn định, nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra khó tiên liệu và gần đây có vẻ không hoàn toàn nghe theo Bắc Kinh.

Trung Quốc có quan hệ thương mại, đầu tư với một số đối tác thương mại chủ chốt nắm giữ giá trị chiến lược như Đức, Brazil, Ảrập Xê-út, Indonesia… Dù vậy, các nước đều có lý do để hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều quốc gia ủng hộ sự tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, tạo thế cân bằng quyền lực trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong thế giới ngày nay, quyền lực mềm là một yếu tố cực kỳ then chốt khác tạo nên ảnh hưởng siêu cường. Do hầu hết người nước ngoài gần như không thể tiếp cận tiếng Trung và thái độ bàng quan với xu hướng xã hội ở nước này, hệ thống chính trị và kinh tế Trung Quốc ít có sức hấp dẫn đối với các nước khác.

Đặng Vương Hạnh
Theo New York Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG