Trung Quốc cam kết không xây nhà máy điện than ở nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
TPO - Hôm qua (21/9), tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, sẽ không xây thêm bất kỳ nhà máy điện than mới nào ở nước ngoài.

Cam kết này đánh dấu sự thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với sáng kiến Vành đai-Con đường mà Trung Quốc đang đẩy mạnh, trong đó có việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, gồm cả phát triển nhiệt điện, CNN đưa tin.

Trung Quốc sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng xanh và phát thải ít carbon ở các nước đang phát triển trên thế giới, ông Tập Cận Bình phát biểu thông qua một video được ghi hình trước.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Ember, năm 2020, Trung Quốc tiêu thụ than nhiều hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại. Theo Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, than chiếm 58% nhu cầu năng lượng của nước này năm 2020.

Trước đây, Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ cho các dự án than ở nước ngoài. Theo Trung tâm Sáng kiến Vành đai-Con đường Xanh (đơn vị phân tích sáng kiến Vành đai-Con đường), Trung Quốc đã thông báo đầu tư 160 tỷ USD vào các nhà máy điện chạy than khắp thế giới trong giai đoạn 2014-2020.

Trung Quốc cam kết không xây nhà máy điện than ở nước ngoài ảnh 1

Một nhà máy điện chạy than của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

LHQ yêu cầu chấm dứt sử dụng than đá

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cao tuyên bố của Trung Quốc và cam kết của Mỹ trong việc tăng tài trợ về phòng chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển. Trước đó cùng ngày 21/9, ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện tinh thần đoàn kết và hành động để xử lý khủng hoảng khí hậu.

“Tôi thấy được khuyến khích bởi hai thông báo quan trọng mà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra trước Đại hội đồng về cam kết hành động khí hậu” - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres .

“Tôi thấy được khuyến khích bởi hai thông báo quan trọng mà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra trước Đại hội đồng về cam kết hành động khí hậu”, Tổng thư ký LHQ nói.

“Tôi hoan nghênh thông báo của Tổng thống Joe Biden rằng Mỹ sẽ tăng đáng kể hỗ trợ tài chính lên xấp xỉ 11,4 tỷ USD/năm để xử lý vấn đề khí hậu ở cấp độ quốc tế. Đóng góp tăng thêm này của Mỹ sẽ khiến các nước phát triển tới gần hơn cam kết tập thể là huy động 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ về khí hậu”, ông Guterres phát biểu.

“Tôi cũng hoan nghênh thông báo của Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc sẽ chấm dứt hoàn toàn việc cấp tiền cho các dự án điện chạy than ở nước ngoài và tái điều hướng sự ủng hộ của mình cho năng lượng xanh và carbon thấp. Gia tăng loại bỏ than trên toàn cầu là bước đi đơn lẻ quan trọng nhất để có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ tăng thêm ở mức 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, Tổng thư ký LHQ nói.

Trong bài phát biểu trước đó tại Đại hội đồng, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để lại tăng gấp đôi cam kết tài chính của Mỹ để ủng hộ các quốc gia đang phát triển.

Hồi tháng 4, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ tăng đóng góp tài trợ khí hậu toàn cầu lên 5,7 tỷ USD/năm.

Tổng thư ký LHQ yêu cầu các quốc gia chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, chấm dứt sử dụng than đá, đầu tư vào năng lượng tái tạo và đánh thuế carbon và ô nhiễm, “thay vì đánh thuế thu nhập của người dân”.

MỚI - NÓNG