Trẻ ngộ độc nặng vì thuốc gia truyền

Một bệnh nhi ngộ độc chì đang được điều trị tại Khoa Nhi, BV. Bạch Mai.
Một bệnh nhi ngộ độc chì đang được điều trị tại Khoa Nhi, BV. Bạch Mai.
Được quảng cáo là thuốc gia truyền bổ rẻ, giúp trẻ mau lớn, trị cam nóng… nhưng chính những thang thuốc đó lại dẫn không ít bệnh nhi vào viện.

Em chết, chị nguy kịch

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã từng tiếp nhận cùng lúc 2 bệnh nhi là chị em ruột: nam 9 tuổi và nữ 11 tuổi ở (Hải Hậu, Nam Định) được chuyển sang từ Trung tâm Chống độc, sau khi đứa em út đã tử vong. Hai bé rơi vào tình trạng nguy kịch vì nhiễm độc chì. Bé gái bị tổn thương não, thận, hệ tiết niệu, la hét liên tục, kích thích vật vã, đau bụng, tiểu tiện ra máu, phải cho uống thuốc an thần. Bé trai có biểu hiện đau đầu, đau bụng…

Nguyên nhân là trước đó, thấy con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, mẹ các cháu đã mua thuốc “bổ” của một người bán dạo ở chợ gần nhà (là những viên thuốc tròn, không rõ tên thuốc) với giá 300.000đ về cho cả 4 mẹ con uống. Uống khoảng 10 ngày, lần lượt cháu út 4 tuổi rồi đến chị gái và anh trai có biểu hiện đau bụng, đau đầu. Cả 3 bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), bé út đã tử vong hai chị em lớn hơn được chuyển tiếp sang Trung tâm Chống độc, rồi sang Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai.

Còn Bé Nguyễn Thị T, 6 tháng tuổi ở Thanh Thủy, Phú Thọ nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu. Nguyên nhân mẹ cháu thấy con có nốt ở chân và miệng nên nghe theo mách mua thuốc cam gia truyền chuyên chữa lở loét, kém ăn cho con dùng.

Các bác sĩ ở đây nghi ngờ cháu bị ngộ độc chì nên đã gửi mẫu máu và thuốc cam đi xét nghiệm. Kết quả mẫu máu có hàm lượng chì lên đến trên 100mcg/dl, cao gấp hơn gần 10 lần hàm lượng cho phép ở trẻ nhỏ, thuốc bột màu cam thì có 10% hàm lượng chì. Sau đó bé được chuyển sang điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, trung tâm liên tục cấp cứu cho các bệnh nhi bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam, thuốc tễ để bôi.

Khó phát hiện và nguy cơ tử vong cao

Bác sĩ Duệ cho biết, chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính như các trường hợp trên. Chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ...

Ở hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên, chì khiến trẻ bị co giật, rối loạn hành vi, đần độn, mất ý thức, co giật, hôn mê. Ở máu, chì gây ức chế sản sinh hồng cầu và bạch cầu làm thiếu máu. Ở xương làm calci hóa đầu xương dài khiến trẻ không phát triển được chiều cao...

Với trẻ dưới 6 tuổi tính chất nguy hiểm của chì cao khiến các em trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong. Trường hợp mạn tính, các em có dấu hiệu đần độn, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh. Vì khó phát hiện nên trẻ dễ tử vong.

Phát hiện sớm, điều trị cũng không đơn giản vì việc thải độc chì rất khó khăn, cần nhiều loại thuốc hiếm, đắt tiền, có thuốc trị giá 500 triệu đồng/liều mà Việt Nam chưa có. Việc điều trị cho bệnh nhân cũng thường phải kéo dài 3 tháng liên tục, có trường hợp lâu hơn và vài năm.

Hiện nay tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, một bé 5 tuổi cũng do dùng thuốc tễ đã điều trị 1,5 năm vẫn chưa hết độc tố chì. Điều đáng lo ngại, theo bác sĩ Duệ, nguy hiểm nhất là ngộ độc mạn tính, thường xuất hiện rất âm thầm, triệu chứng không đặc hiệu dễ bị chẩn đoán nhầm: táo bón, biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, thiếu máu, đau đầu…

Bảo vệ con khỏi chì trong thuốc

Bác sĩ Dũng khuyên, cha mẹ nên rất thận trọng khi cho con dùng các loại thuốc đông y gia truyền giúp con ăn khỏe bởi nhiều thuốc không rõ nguồn gốc, quá trình sản xuất không đảm bảo dễ bị nhiễm kim loại nặng (như chì, arsen).

Các bệnh nhân ngộ độc chì gần đây đều do dùng các loại thuốc cam, thuốc tễ màu vàng đen được quảng cáo là gia truyền, đóng túi ni lông, nhãn mác sơ sài. Vì vậy cha mẹ thật cảnh giác với những thuốc này. Sau khi dùng thuốc thấy con có biểu hiện đau bụng, đau đầu, co giật… cần đi khám ngay.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.