Trẻ ngại quay lại trường?

0:00 / 0:00
0:00
TP - "Trẻ con có vẻ mất nhu cầu ra khỏi nhà? COVID làm cho bệnh nghiện máy tính, điện thoại của trẻ con trầm trọng thêm. Chúng có vẻ hoàn toàn không còn nhu cầu ra khỏi nhà, trừ các cơ hội đàn đúm chuyện gì đó với chúng bạn. Phải thuyết phục mới lôi được hai đứa ra nơi thôn dã như thế này".

Dòng trạng thái trên trang cá nhân mới đây của sếp tôi nhận được những ý kiến thừa nhận của nhiều bậc phụ huynh. Sực nhớ, dù hàng quán, điểm vui chơi công cộng nơi tôi ở đã mở cửa bình thường trở lại từ khá lâu, nhưng cậu con đang học cấp 3 của tôi cũng không hề có nhu cầu ra ngoài tụ họp bạn bè. Điều mà trước đây hầu như diễn ra vào mỗi cuối tuần, không cho phép cũng kỳ kèo bằng được.

Đây chính là một hiện tượng mới, phát sinh sau đợt giãn cách chống dịch COVID-19 dài lê thê này.

Nhiều đứa trẻ lớp 1 suốt mấy tháng đầu tiên đời học trò đã không biết trường, lớp, ghế bàn, bảng đen và gương mặt thực của thầy cô giáo ra sao. Chữ viết đầu đời cũng không được cầm tay nắn nót chỉnh sửa, mà đều qua màn hình ảo.

Nhiều trẻ năm cuối cùng đời học sinh cũng đằng đẵng với những tiết học ảo trên máy tính, điện thoại, kỳ thi tốt nghiệp để ra đời cũng như giờ phút chia tay nhau bịn rịn còn chưa biết ra sao, có xảy ra được không?

Công nghệ học ảo đã khiến trẻ thích nghi nhanh hơn chúng ta tưởng. Con trai tôi thỉnh thoảng lại thấy mặc đồ võ trong phòng. Thì ra nó đang học võ online theo thời khóa biểu của trường. Vậy mà cũng vẫn…"ổn", chẳng phàn nàn!

Không chỉ ở ta, mà trẻ em nhiều nơi trên thế giới cũng bắt đầu ngại quay lại trường học trực tiếp mà không phải vì sợ COVID.

Nữ phóng viên Faith Karimi của CNN hồi trung tuần tháng 8 khi phỏng vấn nhiều học sinh các cấp ở Mỹ trước khi được đi học trở lại, đã nhận được những câu trả lời đáng phải bận tâm. Rằng trường học ảo giúp chúng phát triển dễ dàng hơn rất nhiều, không phải chịu áp lực về việc cố gắng hòa nhập, ai sẽ nói chuyện với mình ở hành lang. Rằng học trực tuyến chúng sẽ không còn bị bắt nạt, không phải bị giám sát về cách ăn mặc, đầu tóc, không phải run khi đứng phát biểu trước đám đông, được thấy bố mẹ nhiều hơn,... Thời gian ở nhà quá dài cũng làm cho việc phát triển nhiều kỹ năng xã hội của trẻ bị ngắt quãng, khiến chúng lo lắng.

Facebook có vẻ từ lâu đã nắm được xu thế này. Đế chế mạng xã hội khổng lồ vừa quyết định đổi tên thành Meta, để hình thành vũ trụ ảo (metaverse). "Chúng ta sẽ có thể cảm giác về sự hiện diện của mình giống hệt như ta đang có mặt tại đó với mọi người, bất kể khoảng cách xa xôi thế nào", ông chủ Facebook vừa quảng bá "vũ trụ" này với thế giới hôm 28/10.

Rõ ràng đó là một thực tế không hẳn đáng mừng, thậm chí là lo ngại hệ trọng, nhất là với giới trẻ. Một vũ trụ ảo lên ngôi, hẳn nhiên vũ trụ thật với hành tinh tồn tại hàng tỷ năm sẽ có nhiều rùng chuyển với bao giềng mối nhân bản cơ bản nhất sẽ bị thay thế.

Kể từ tháng 11 này, hầu hết cánh cổng trường học ở ta sẽ mở rộng trở lại. Sẽ không ít khó khăn về tâm sinh lý với trẻ khi tái hòa nhập học đường, đòi hỏi sự lưu tâm của ngành giáo dục và các nhà tâm lý.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.