Trần Tuấn: Người không mục lục

Trần Tuấn: Người không mục lục
TP - Vẫn là điệu thức sám hối và tuyệt mù vượt ra ngoài ý niệm vật thể nhưng khác với Ma Thuật Ngón, trong Chậm Hơn Sự Dừng Lại, Trần Tuấn chạm đến cái gần như nơi mà mọi giao lộ của lời chơi vơi nhận dạng không gian mình. 

Gần như không phải là khái niệm. Gần như không phải là chân như tựa tràng hạt hay thánh giá người ta từng khoác lên chữ Trần Tuấn. Gần như là chốn ngụ cư của cô đơn. Không đoạn tuyệt, không chạm đến, vực sâu cũng là đỉnh trời, mong manh cũng là vạm vỡ của nòi chữ, soi đường cho kẻ cô đơn thấy hắn buồn đau hơn hạt bụi vì “hạt bụi [còn biết] cô đơn với hạt bụi, ngón chân cô độc với bàn chân” trong khi hắn chỉ là “con nhện mơ giăng trên mi mắt ngủ, đưa tay xua, mơ hồ” trong tâm thế gần như của “hương vị thân thể, cứ thế, đang ngồi uống tôi”.

Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn vừa cùng lúc đón hai đứa con tinh thần, hai cuốn sách mới vừa “ra lò” tại Hà Nội. Đó là tập kí sự “Uống cà phê trên đường  của Vũ”, và tập thơ “Chậm hơn sự dừng lại”. Trần Tuấn đã xác lập vị trí của mình kể từ tập thơ “Ma thuật ngón”, vị trí của một nhà thơ cách tân phương thức diễn ngôn thơ. Là Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung tại Đà Nẵng, Trần Tuấn còn viết ký văn chương và bình luận thế sự. Anh sinh năm 1967 tại Hà Nội. TPCN trân trọng giới thiệu các bài viết nhận định về tác phẩm mới của Trần Tuấn.

L.A.H

Cái tôi-gần-như-của- người-thơ-Trần Tuấn là một cuộc hiện sinh của loài “nước mắt chảy ngược” trên “hành trình đò máu” hoang mang mò mẫm và day dứt máu xương của một loài thú biết lạy lễ nước mắt nhưng mơ hồ về nội ức đời sống:

Vài lát/chốc lát

Đôi lát/đôi khi

Đôi khi tôi cầm lên đôi lát

Lại hai chiếc kim giây

Lạnh ngắt

Vòng vòng

Một lát cắt

Không thân thể/thân thể lát cắt

Cầm tôi lên tay.

Ai “cầm tôi lên tay” khi cái không tôi mờ ảo hơn cả “hoa vân tay thở dài” trên cánh đồng ký ức? Câu hỏi “như mảnh dằm tinh quái, ngàn năm, không thời gian” tựa “bài hát câm” tru lạnh hoang mạc nơi bóng tối và ánh sáng thụ thai thành thằng-bé-mơ [hay là người thơ]

Trên con thuyền mù u

Trôi tuyệt mù không đêm thu

Giấc ngủ gói mơ màng lá ngó                                         

Ơ kìa ngàn phố với ngàn côi

Sao chảy tìm tôi giữa đêm trôi

Nhà tôi chật chội giường chiếu cũ

Nào mau quăng hết đón sông ngồi.

“Sông ngồi” là ma thuật của chữ, phóng chiếu tâm can “thắp vào đêm một vũng bất định” trong “cuộc săn chữ”. Trong cuộc chơi này, Trần Tuấn nhận ra một điều cốt tuỷ, rằng giống người hiện đại “không phải mơ mà chúng ta đang chết… cái chết xanh nhung…đang sống trong thân thể tôi hay lang thang trong thân thể khác”. Cái chết là sự hồi xuân. Trần Tuấn nói về cái chết của anh và của mọi người gần như là tiếng chuông thu minh hơn là sự tiêu diệt cõi mới.

Cõi mới không xa lạ bởi nó như tiếng nguyền “cất lên từ trước đó nhiều ngàn năm” thuần hoá hôm nay và dụ cảm ngày mai tựa gương mặt ghé thăm gương mặt, khác chi nỗi hoan lạc đớn đau của sự trở về, “không bằng đôi chân của người” mà tự “đôi chân thời gian quay tìm lại”. Bước chân hành hương của bản thế luôn “chậm hơn sự dừng lại” đã dấy lên những đốm lửa nhỏ nhoi nhưng rất điên tự tính:

Thời gian của những ngón tay ngón chân

Có đồng hành cùng đôi mắt, tai nghe

Khi loài người trôi dạt

Tôi tự hỏi

Và nhìn xuống ngón chân mình

Vạt cỏ xanh đang dệt bầu trời dưới chân

Trên đỉnh núi

Vạt cỏ xanh hí lộng ấy đang bị quằn xéo trong mớ sống “rằng thì mà, là hay những bản tin rời” chứa đầy tham sân vây bủa, kết nối, tạo thành, ma bẩy bao nhiêu cuộc đời mê vọng mà Trần Tuấn nhìn thấy “có một cái lưỡi đang đi mãi dưới lòng đất từ Rằng đến Thì Là đến Mà, đôi khi, luồn cộm cứng trong quần” trong những phóng-sự-thơ gồ ghề rất cố tình. Sự cố tình này là bước chuyển táo bạo của Trần Tuấn vì chính anh sẽ đối diện với sự từ chối của người đọc và của chính anh. Hơn ai hết tác giả sẽ là người trăn trở với sự cố tình này bởi trừng phạt cũng là ân huệ của những bước chân “chậm hơn sự dừng lại”.

Đáy sâu của gồ ghề con chữ, đáy sâu của những mộng mị lời, đáy sâu của tinh tế thấy là “những con chữ tươi ròng và khổng lồ, quá chật chội cho một cuộc hiến tế”. Sự bất lực đã biến “thợ săn thành những con mồi”. Nhà thơ, trong “cuộc săn chậm hơn sự dừng lại” vẫn “bước mơ hồ” nuôi nấng “cây cầu thang cũng đang bước đi, ra ngoài thế kỷ, khỏi mặt đất đang lún dần, tan chảy”.

Hiện thực đau thương nẩy ra miền tâm thức gần như. Chậm hơn sự dừng lại là cõi sát na nơi nhà thơ được sống trong thế giới không phân định mà nồng nàn trống rỗng. Đó là ẩn ngữ sám hối mong sao phá huỷ tâm thức thành tựu cõi mới như ngày xưa Vầng Mây Lớn dạy Vầng Mây Trí Huệ dưới rừng cây tiếng Nhạc.

Sự sám hối tuyệt lự ấy không có khởi đầu cũng không có hồi kết.

Trần Tuấn, như tập thơ mới này, là người không mục lục.

Miền Tây Bắc, 5/2017

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.