Trà đạo... vỉa hè

Uống trà, hút thuốc, đánh cờ
Uống trà, hút thuốc, đánh cờ
TP - Trời nóng, quán cóc, trà đá giá bèo. Chỉ cần bỏ ra vài “xu lẻ” đã có chỗ dưới bóng cây, ngồi góc đường ngắm gái, thuận mồm bàn chính sự, văn hoá và cả ... chuyện nhà người ta. 

Thông tấn xã vỉa hè

Anh bạn tôi muốn mua một con điện thoại Blackberry cũ. Trao đổi trên mạng, hẹn hò xem máy, anh kêu tôi - một thằng có thâm niên “chơi” dòng này- đi cùng. Bảo tìm quán cà phê gần gần thì nhận được cái gắt “Phủi đê. Cà phê đắt hơn tiền máy”. 

Nắng vỡ đầu, mò ra quán trà đá gần cổng trường Bách khoa. Đến giờ hẹn mà chẳng thấy người mua kẻ bán đâu, đành ngồi hóng chuyện bà chủ quán. Bạn của bà đang tỉ tê chồng ngoại tình, cô bồ ghen ngược nhắn tin chửi bới. “Để tao” - chủ quán giằng điện thoại, vừa bấm choanh choách vừa giải thích: “Cho nó tức sặc tiết”. Bà bạn đọc tin nhắn, mặt đanh lại: “Sao biết chồng tao ... yếu?”. Bà chủ cười phá, kể lô lốc chuyện nhà này nhà kia, sinh hoạt giường chiếu thế nào. 

Người ta gọi trà đá là nét văn hóa bình dân. Quán nước cũng là nơi sản xuất và tiếp nhận quá nhiều thông tin, xưng nôm na Thông tấn xã vỉa hè chẳng ngoa. Ai muốn chém gió, muốn nghe bình luận về đủ thứ chuyện cứ ra trà đá. 

Nhớ lần ngồi nghe bình luận về vụ xử phúc thẩm cựu chủ tịch Tổng công ty Hàng hải bên hông vườn Bách thảo, rất nhiều người hùa theo tuyên bố chắc nịch của một thanh niên: “Tử hình thì kháng cáo. Còn lâu mới chết”. Quán nước tự nhiên trở thành nơi phát ngôn không cần chính thức. 

Tôi quay lại con đường cụt nằm kẹp giữa hai cơ quan cấp Cục, giao với đường Ngọc Hà. Chỗ này giữa trưa vẫn mát rượi bóng cây, địa thế lý tưởng để bày bán quán, lôi kéo dân công sở bỏ điều hoà, ra ngồi cho thoáng. 

“Ai chẳng lấn. Không ngồi nhờ vỉa hè thì bán hàng ở đâu?”.

Chủ quán trà đá 

Nhiều người nói chuyện thời sự, vài người lại thể hiện yêu bản thân. Cái “yêu mình” ở đây là bộc lộ bản năng ở nơi công cộng một cách tiêu cực. Có dịp tôi qua Phương Mai. Một góc nhỏ nằm tại điểm giao cắt giữa hai con ngõ vừa rộng để làm chợ xanh cũng đủ chỗ cho ba quán nước. Hai quán gần nhau. Quán còn lại nằm xeo xéo giúp cô Lan, bà chủ trung tuổi mặc áo cổ trễ, quan sát tình hình đối thủ cạnh tranh. 

“Mấy thằng ngày nào chả ra ngồi ngắm gái. Chả nghề ngỗng gì” – cô Lan giải thích lý do đông khách của quán gần đó. Chị em phụ nữ từ ngõ ra chợ mặc đồ ở nhà cho tiện, vô tình thành mục tiêu săm soi. “Tuổi nào mà đùi trắng thế” hay “trông như cá sấu đực, đếch biết đẻ”. Chủ đề đàn ông đàn bà: “Hồi làm văn phòng Tổng (không rõ Tổng công ty nào?) tuần nào tao cũng phi xe máy xuống Đồ Sơn (ám chỉ du hí)”. Dĩ nhiên sau đó là mấy lời bình, vài giọng cười đầy ngụ ý. Cũng có cái nhìn nghi hoặc, cho rằng “nổ”. 

Nông thôn hóa thành thị

Quán nước đầu làng/ Bóng đa trùm mát rượi/ Bà lão bán hàng tươi cười, xởi lởi/ Mời chào đon đả người qua... (Thơ Nguyễn Đức Đát) 

Quán nước đầu làng, bác nông dân đi cấy về, dừng chân hút điếu thuốc lào, uống bát nước chè, nói chuyện làng xã. Hình ảnh đó quá đỗi thân thuộc, hiển nhiên tồn tại trong hình dung về cảnh làng quê yên bình. 

Trà đạo... vỉa hè ảnh 1 Góc quán nhỏ

Quán nước thành phố, chẳng cần xong buổi việc vẫn đầy người. Nghề tự do đã đành, ngay cả công sở, tư sở cũng kéo ra buôn chuyện. Dân ta phần lớn gốc quê lên thành phố định cư. Bây giờ hình ảnh bác nông dân được thay bằng anh chàng sơ mi kính trắng ngồi ôm ống điếu rít thuốc lào, tiêu biểu cho sự giao thoa cũ mới, nông thôn thành thị.   

Được hỏi chuyện thuốc lào cào thuốc lá, bà Duế - chủ quán nước khu Hoàng Cầu- nói: “Thuốc lào nó phê hơn mà không hại bằng thuốc lá. Cháu lúc nãy mà đến nhà cô, phải 3 chục người ngồi. Có cái điếu, ông này sùng sục chán lại đến ông kia. Buổi tối cô không bán nhưng cô đi tập thể dục ven cái hồ thấy các quán trà đá buổi tối, toàn thanh niên 15, 16 hút thuốc lào. Thuốc lào của nhà cô thuần túy là thuốc lào còn thuốc lào của bọn nó nghe đâu thêm tí bồ đà… hay cái gì đó chả biết”

Không lạm bàn việc người ta thích hút thứ gì. Vấn đề nằm ở chỗ hợp tình, hợp cảnh. Văn hóa làng xã cần gìn giữ bảo tồn trong giới hạn đời sống. Cung cách nhà nông khó hợp với môi trường công nghiệp hóa. “Nông thôn hóa” thành thị càng mạnh càng cản trở phát triển.

Nhiều người trong độ tuổi lao động ngồi quán nước từ sáng tới chiều để trao đổi, so đọ về thú nuôi chim, nuôi gà nuôi chó, nhà đất, hàng họ... Quán trà đá như văn phòng kinh doanh tư vấn, môi giới thu nhỏ.

Văn hóa  bình dân và những hệ lụy

Gần 70 năm trước, phong trào Bình dân học vụ được triển khai sâu rộng tới mức chỉ cần có chỗ kê ghế băng, tấm phản, cánh cửa ... là thành lớp học. Nhờ phổ cập giáo dục tối đa, chúng ta đã xóa được nạn mù chữ.   

Trà đạo... vỉa hè ảnh 2 Khi mốc chỉ giới giao thông thành bàn trà

Ngày nay cũng chỉ cần gốc cây, cột điện, thậm chí bệ tường rào, mốc chỉ giới giao thông là có chỗ bày bàn nước, có chỗ phổ cập văn hóa bình dân. 

Bình dân ở giá cả. Ghế nhựa rẻ, chè đắt hơn nhưng xắt được vô số miếng. Nếu nhập hàng trôi nổi (chè thứ phẩm “ngậm” thuốc sâu) chi phí còn giảm nữa. Vì vậy mà giá trà đá luôn bình ổn ở mức thấp. 

Người ta vẫn nói bán trà đá khác nào đi nhặt “xu lẻ”. Vậy mà một đợt rộ lên các bài báo viết về đề tài Bán trà đá mua nhà, Bán trà đá lãi triệu bạc mỗi ngày. Thử làm bài tính đơn giản. Mỗi lượt khách, chủ quán thu trung bình 5 ngàn đồng (trà kèm thuốc, kẹo). Một ngày có khoảng 300 lượt khách, đã có triệu rưỡi bạc. Nghề này một vốn bốn lời, nếu kiếm được địa điểm ngon lành gần dăm ba cơ quan hay tụ điểm rộng rãi kiểu vườn hoa, bờ hồ, phố lớn… thì khỏi lo về thu nhập. 

Tất nhiên, quy luật thị trường đâu cho phép mua gốc, bán ngọn. Nếu không muốn chia lợi ích với người khác, chủ quán phải nộp “thuế”. “Chị kinh nhất hồi Tết. Tận 5 tốp. Nào trật tự, thị trường, phường, quận, thành phố. Chạy như chạy giặc. Không kịp họ thu hết bàn ghế. Có tiền phạt thì thôi. Bán cả ngày được mấy đồng bạc, đào đâu ra mà đưa”- một chủ quán giấu tên ở Thanh Xuân kể. Tuy nhiên khi hỏi chuyện lấn chiếm vỉa hè lòng đường thì tôi đã làm cho chị khó xử, phân bua: “Ai chẳng lấn. Không ngồi nhờ vỉa hè thì bán hàng ở đâu?”- chủ quán trà đá nói.   

Để tăng tính cạnh tranh, nhiều chủ quán bày bàn cờ tướng cho khách chơi bên cạnh, thuốc lào miễn phí. Bên bàn cờ không phân biệt địa vị, tuổi tác ...Tất cả bình đẳng như nhau. 

Nhận ghi lô đề cũng là chiêu hút khách đang rất phổ biến hình thành nên mối quan hệ ba chiều. Chủ đề cần hệ thống chân rết. Chủ quán cần khách hàng và tiền hoa hồng. Khách uống trà cần mua vận may và cảm giác hồi hộp. Quán nước tự nhiên thành địa điểm giao dịch bất hợp pháp. 

“Chị không ghi nhưng thằng kia ghi” - vẫn chủ quán ở Thanh Xuân, chỉ tay về quán nước gần đó. Chủ quán bên kia là đàn ông, trẻ và có vẻ bặm trợn. Tôi hỏi: “Sợ công an không chị?”. Chị nhìn tôi với vẻ khó tin vì đây là chuyện người ta vẫn nói ra rả: “Thích thì bắt, phạt hành chính rồi tha. Làm “huyện” không sợ công an. Sợ nhất là ham, “ôm” là chết. Nói thật, trước chị sập một lần, suýt ra đê, tởn đến già”. 

Quay lại vụ mua điện thoại của anh bạn. Phàn nàn chuyện nắng nôi còn bị anh mắng: “Hãm. Bọn tao còn ký mấy trăm triệu ở quán nước”. Anh là dân thi công, hồ sơ hoàn công tống đầy cặp. Ngồi phịch xuống ghế, miệng gọi trà đá, tay lôi hồ sơ, tay chuẩn bị sẵn bút cho đối tác. Anh bảo cần thì vẫn vào cà phê, nhà hàng nhưng sướng nhất là gạ được đối tác ra quán trà đá. Thời buổi thực dụng, quan trọng “trong hồ sơ chứa gì chứ không phải là ký ở đâu”. 

Bạn của bạn tôi là chủ thầu xây dựng, nghiễm nhiên coi quán nước như một kênh tìm việc hiệu quả. Tên tuổi của anh này được quảng bá dọc từ ngoài đường 70 vào các khu đô thị mới Xa La, Kiến Hưng nhờ vào tài ăn nói của mấy bà hàng nước. Dĩ nhiên theo đúng văn hóa kinh doanh, anh thường lại quả bằng cách gọi rất sang. Thuốc lá, cà phê, bia… đủ cả.

Tóm lại, nói về trà đá thì nói cả ngày. Tốt, xấu, đúng và chưa đúng đan xen vào nhau. Những điều kể ở trên chỉ phản ánh một phần tí ti hiện thực của công việc kinh doanh trà đá ở Hà Nội.   

Hà Nội bây giờ, tìm phố không có trà đá như nhiệm vụ bất khả thi. Uống trà đá trở thành thú vui khó bỏ của rất nhiều người, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Có cầu tất có cung. Chỉ mong sao cơ quan chức năng tìm được biện pháp để giảm thiểu tiêu cực, để trà đá có phong vị và mang chất văn hóa bình dân.

Quán trà đá không đơn thuần bán trà và gọi trà đá nhưng có thể trà không đá. Có thể gọi nước ngọt, nước khoáng, nước tăng lực, cà phê, bia rượu. Điều này giúp thu hút khách hàng học sinh, sinh viên và dẫn tới tình trạng ngồi quán lan tràn trong giới trẻ.

Trào lưu trà chanh (một hình thức cách tân của trà đá) vẫn rất thịnh hành, tạo ra một không gian sinh hoạt của thanh niên Thủ đô. Tất cả những điều đó cho thấy tính phổ biến của mô hình phục vụ nhanh – rẻ - tiện lợi, cũng là câu hỏi đặt ra cho công tác quản lý.

MỚI - NÓNG