Tổng thống Sudan tuyên bố từ chức sau 30 năm nắm quyền

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước gần ba thập kỷ, vừa bất ngờ tuyên bố từ chức
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước gần ba thập kỷ, vừa bất ngờ tuyên bố từ chức
TPO - Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã tuyên bố từ chức, trong khi Hội đồng Quốc gia đang tiến hành các bước chuyển tiếp lãnh đạo để tiếp tục điều hành đất nước.
Bộ trưởng Kinh tế và sản xuất Sudan Adel Mahjoub Hussein cho biết, Hội đồng Quốc gia đã nắm quyền lãnh đạo quân đội, sau khi Tổng thống Bashir từ chức. Nguồn tin từ Sudan đã xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết thêm, Tổng thống Bashir hiện đang ở tại tư dinh với lực lượng bảo vệ "dày đặc". Quân đội Sudan sẽ sớm đưa ra tuyên bố, trong khi các lực lượng được triển khai tại thủ đô Khartoum.
Trước đó, quân đội và lực lượng an ninh đã triển khai làm nhiệm vụ tại trụ sở Bộ Quốc phòng, cũng như chặn các con đường chính đổ vào thủ đô, khi hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường, kêu gọi Tổng thống Bashir từ chức, đồng thời có những hành động chống chính phủ. Ngay sau khi có thông tin ông Bashir từ chức, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường tại thủ đô Khartoum trong niềm vui sướng, cùng nhau nhảy múa và hô các khẩu hiệu chống lại ông này.
Đài phát thanh, truyền hình Sudan cũng phát các bài hát yêu nước, đồng thời nhắc lai vai trò quyền lực của quân đội, sau khoảng thời gian dài đất nước lâm vào tình trạng bất ổn. Những rạn nứt bắt đầu bùng phát, sau khi lực lượng chức năng cố gắng ngăn cản người biểu tình. Ít nhất 11 người thiệt mạng sau các đợt biểu tình, trong đó có 6 binh sĩ.
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, người biểu tình đã bắt đầu xuống đường tại Sudan, kêu gọi chính phủ đáp ứng mức sống tối thiểu cho người dân, mà cụ thể là khắc phục tình trạng thiếu hụt lương thực, nhiên liệu và tiền mặt. Người biểu tình cũng kêu gọi quân đội ủng hộ nhằm lật đổ Tổng thống Bashir, sau gần ba thập kỷ nắm giữ quyền lực, để chuyển sang giai đoạn dân chủ hơn.
Tổng thống Bashir, từng là lính nhảy dù, đã tiếp quản quyền lực sau một cuộc đảo chính không đổ máu vào năm 1989, trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ sâu sắc. Sudan đã phải gánh chịu sự cô lập và cấm vận kéo dài, khi Mỹ liệt chính quyền Bashir vào danh sách bảo trợ khủng bố, đồng thời đưa ra lệnh trừng phạt 4 năm sau đó.
Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG