Tin 'hot' giáo dục: Tranh cãi đề xuất bỏ tác phẩm Chí phèo ra khỏi SGK

TPO - Tranh cãi đề xuất bỏ tác phẩm Chí phèo ra khỏi SGK; Xôn xao 3 nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man, kêu gào thảm thiết; Gần 1.200 giáo viên Hải Dương không được trả lương hay trường cũ lên tiếng chuyện thất học của bé trai bị bố đẻ bạo hành là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Trường cũ lên tiếng chuyện thất học của bé trai bị bố đẻ bạo hành

Theo chị Nguyễn Thúy Ngân, mẹ đẻ cháu K., cháu bé không được đi học hơn một năm qua. Tháng 8/2016, chị Ngân liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của con thì được biết bố cháu bé đã xin cho cháu nghỉ học hè để đi du lịch cùng gia đình. Vậy trường tiểu học cũ mà cháu K. theo học nói gì về vấn đề này?

Tin 'hot' giáo dục: Tranh cãi đề xuất bỏ tác phẩm Chí phèo ra khỏi SGK ảnh 1 Cháu K. ở bên gia đình ngoại.
Trao đổi với Dân trí chiều 8/12, cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Cháu Trần N.K. (10 tuổi) từng là học sinh của trường năm học lớp 1 và lớp 2. Tuy nhiên, đến ngày khai giảng năm học mới 2016 - 2017 thì cháu vắng mặt không có lý do. Ngay sau đó, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ với gia đình để tìm hiểu nguyên nhân và được bố cháu là Trần Hoài Nam và gia đình cho biết sẽ xin chuyển trường cho cháu.

Khi biết thông tin này, nhà trường cũng đã hướng dẫn bố cháu làm thủ tục và tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên thời điểm đó bố cháu nói lý do mới chuyển công tác vào TPHCM nên xin phép gửi đơn chuyển trường qua email, nhà trường tiếp nhận đơn nhưng yêu cầu phải có người đến xác nhận và làm thủ tục.

Thời điểm đó, bố cháu có nói là cháu theo học ở trường ngoài công lập nên chưa yêu cầu phải có học bạ, khi nào cần thì sẽ đến trường để rút. Thông tin cháu K. chuyển trường cũng được nhà trường trao đổi với ông bà nội, ngoại của cháu (cả ông bà nội và ngoại đều ở gần trường)
Cũng theo cô Vân, trong phần trách nhiệm của mình, ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để học sinh được chuyển trường theo nguyện vọng và cũng theo dõi, đôn đốc cho quá trình này. Tuy nhiên, với việc bố đẻ cháu giải thích là trường cháu đang học chưa yêu cầu nên dẫn đến việc hồ sơ của học sinh sau 2 năm “chuyển trường” vẫn chưa được rút.
“Kết quả học tập 2 năm theo học ở trường của cháu cũng khá tốt, cháu đều hoàn thành tốt các mặt. Hiện nay hồ sơ của cháu đã được bàn giao chuyển cho công an quận Cầu Giấy, công an phường Nghĩa Đô để phục vụ công tác điều tra” - cô Vân cho biết.

Tranh cãi đề xuất bỏ tác phẩm Chí phèo ra khỏi SGK

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng, bà tôn trọng khác biệt và quyền đưa ra quan điểm riêng nhưng việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận.

Trước đề xuất của Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh.  TS Văn học Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh, bà không đồng tình với ý kiến loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn. “Loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông là ý kiến tuyệt đối không thể chấp nhận”- TS Thu Tuyết khẳng định. (xem chi tiết tại đây)

Tin 'hot' giáo dục: Tranh cãi đề xuất bỏ tác phẩm Chí phèo ra khỏi SGK ảnh 2 Cảnh cắt từ clip
Xôn xao 3 nữ sinh lớp 7 bị đánh dã man, kêu gào thảm thiết

Trưa 9/12, trên mạng xã hội xôn xao trước clip 3 nữ sinh bị 2 nữ sinh khác đánh dã man ngay tại lớp học. Sự việc xảy ra trước rất nhiều học sinh khác nhưng không thấy học sinh nào can ngăn.
Tài khoản Facebook có tên là "L.N.T." đã đăng tải clip này kèm theo nội dung: Sự việc xảy ra vào ngày 6-12, tại một trường THCS trên địa bàn TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Trong clip là 1 học sinh lớp 9/1 và 1 học sinh lớp 9/2 đánh 3 học sinh lớp 7. Nữ sinh bị đánh chấn thương và vẫn chưa thể đến trường…".

Trong đoạn clip dài hơn 3 phút, 1 nữ sinh túm tóc lần lượt 3 nữ sinh rồi dùng tay đánh vào đầu, dùng chân đá vào vai, đầu 3 nữ sinh rất dã man. Không chỉ đánh, nữ sinh này còn chửi thề rất thô tục, như: "Đ.M. cho 3 đứa mày chết một chỗ nè…"..(xem chi tiết tại đây)

Gần 1.200 giáo viên Hải Dương không được trả lương

1.191 giáo viên hợp đồng của tỉnh Hải Dương đã 3 tháng nay không nhận được một đồng lương nào, đến nay đã có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Sự việc xảy ra trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đề xuất tăng lương cho nhà giáo khiến dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về sự bất cập trong quản lý cũng như chi trả chế độ cho giáo viên hiện nay.

Chị N.T.H ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã gắn bó với công việc giáo viên mầm non 10 năm nay. Cách đây 3 tháng, chị vẫn còn là giáo viên một trường mầm non của  thành phố Hải Dương.

Nhưng từ tháng 9, sau khi không nhận được lương, chị đã xin nghỉ hẳn. “Tôi đã gắn bó với nghề được 10 năm. Dù thu nhập thấp, chỉ đủ 2 mẹ con sống tằn tiện, nhưng tôi vẫn vui. Vì được làm cô giáo, được gắn bó với trẻ thơ là niềm mơ ước của tôi từ lâu. Tôi vẫn thấy hạnh phúc khi đến trường. Nhưng việc 3 tháng nay không có lương, nó như một giọt nước tràn ly. Tôi phải dứt áo ra đi, tìm con đường mưu sinh khác”– chị H chia sẻ. Con đường mưu sinh khác mà chị N.T.H chia sẻ ở đây chính là chị đang theo học lớp tiếng Nhật, sắp tới dự định của chị là sẽ sang Nhật xuất khẩu lao động.(xem chi tiết tại đây)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.