Tiền cho thầy và thầy chia tiền

Trường Chính trị TĐT
Trường Chính trị TĐT
TP - Tiền Phong ngày 14-2 có bài “An Giang: Bê bối tài chính ở Trường Chính trị” phản ánh những dấu hiệu tiêu cực tại trường này. Ngoài tiền học phí, trường còn nhiều khoản tiền khác đều có dấu hiệu bê bối.
Trường Chính trị TĐT
Trường Chính trị TĐT . Ảnh: Sáu Nghệ

Tiền cho thầy

Mỗi năm, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (Trường Chính trị TĐT) mở trên dưới 50 lớp từ đại học trở xuống, cho 3.000 – 4.000 cán bộ từ cấp xã trở lên của tỉnh An Giang. Các cán bộ học tại chức, thường một tháng tập trung học 10 ngày cho đến khi kết thúc, dài ngắn tùy theo chương trình.

Chẳng hạn, lớp cao cấp chính trị hành chính tập trung học 10 đợt. Mỗi đợt tập trung, học viên phải đóng mỗi người 200.000 đồng vào quỹ lớp để chi cho các giảng viên.

Lớp cao cấp chính trị hành chính khóa 6 (2008-2010) hợp đồng giữa Trường Chính trị TĐT và một Phân viện trường cấp trên. Lớp có 100 học viên là cán bộ các cấp của tỉnh An Giang. Xin nêu vài đợt chi tiền cho thầy của lớp học này.

Đợt 3, từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2008, chi hết 12.421.000 đồng. Chi nhiều nhất là “tiếp thầy” hết 6.430.000 đồng; tiếp theo là “quà tặng thầy” và “bồi dưỡng thầy” hết 3.569.000 đồng. Photo tài liệu học tập chỉ 1.167.000 đồng.

Đợt 5, trong tháng 5-2009, chi hết 10.758.000 đồng. Trong đó, chi nhiều nhất vẫn là “tiếp thầy” hết 5.916.000 đồng, tiếp theo “quà tặng thầy” và “bồi dưỡng thầy” hết 2.905.000 đồng. Photo tài liệu học tập chỉ 1.937.000 đồng.

Việc thu chi do lớp phó đảm trách, có ghi chép đầy đủ, mỗi đợt nếu chi không hết sẽ gửi tiết kiệm để có thêm tiền lãi nhập vào quỹ. Các đợt tập trung thu đủ nhưng chi thường không hết để dành cuối khóa là đợt chi lớn nhất vì liên quan đến thi cử và cấp bằng hoặc chứng chỉ.

Thầy chia tiền

Việc chi tiền của học viên đóng góp chủ yếu cho các giảng viên ở nơi khác được hợp đồng về giảng dạy, còn việc thầy chia tiền thì lại chỉ vài cán bộ chủ chốt của Trường Chính trị TĐT. Tiền chia ở đây là học phí của học viên, do hợp đồng giữa hai bên liên kết quy định và Trường Chính trị TĐT được hưởng 30 – 35% tổng học phí. Trong số tiền trường được hưởng, chủ yếu chia cho Ban giám hiệu có bốn người và một số cán bộ chủ chốt khác.

Chẳng hạn năm 2009, Trường Chính trị TĐT có 62 người, trong đó chỉ 32 người được chia tiền gọi là “vượt giờ”. Bình quân một tháng, cao nhất là Hiệu trưởng Đỗ Thanh Nhã hơn 5,9 triệu đồng, ba hiệu phó là bà Võ Thị Nên gần 4,3 triệu đồng, ông Trần Văn Hiển gần 4,2 triệu đồng, ông Lê Văn Bền hơn 4 triệu đồng; người thấp nhất chỉ được xấp xỉ 66.000 đồng bên cạnh nhiều người khác được vài trăm nghìn đồng. Các cán bộ công chức của trường cho rằng, chia không công bằng vì nhiều giảng viên dạy vất vả nhưng được chia ít.

Đầu năm 2011 tổ chức đấu thầu căng-tin, các ki-ốt và bãi giữ xe lại khiến cán bộ công chức của trường xôn xao. Kết quả đấu thầu, một năm thu được: Căng-tin 92 triệu đồng, các ki-ốt hơn 230 triệu đồng. Bãi giữ xe, giá khởi điểm một năm 156 triệu đồng nhưng chưa công bố kết quả đấu thầu. Những năm trước không đấu thầu mà do Ban giám hiệu chỉ định, thu được số tiền chỉ khoảng một nửa so với kết quả đấu thầu bây giờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.