Thủy thần vây áp Lạng Sơn

Lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn đi thuyền vào giúp dân bị ngập lụt Ảnh: Thắng Trung
Lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn đi thuyền vào giúp dân bị ngập lụt Ảnh: Thắng Trung
TP - Đã hàng chục năm nay, tỉnh biên giới xứ Lạng mới hứng chịu trận lũ lụt lịch sử. Chỉ trong vòng hai ngày mưa, thành phố Lạng Sơn chìm trong biển nước. Đến cuối giờ chiều 20/7, đã có 4 người chết, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị thiệt hại.

Sáng sớm 20/7, hàng ngàn hộ dân sống xung quanh bờ sông Kỳ Cùng phải sơ tán, trong đó, nhiều người lơ là, mất cảnh giác nên suýt mất mạng.

Chủ quan 


Khu vực đền Cửa Bắc (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn) thuộc khu đất trũng, sát sông Kỳ Cùng là một điểm dễ úng lụt nếu như mưa to. Mặc dù, cơ quan chức năng dùng loa phát thanh thông báo liên tục tình hình khẩn cấp của cơn bão số 2, thế nhưng, sáng 20/7, vẫn còn 4-5 hộ dân mắc kẹt trong nhà. 

Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, đại tá Lương Đình Khải trực tiếp chỉ đạo tổ lái xuồng số 2 của quân đội nhanh chóng tiếp cận, đưa người già, trẻ nhỏ về địa điểm tập kết an toàn. 

Thủy thần vây áp Lạng Sơn ảnh 1

Thôn Lọ Phải, xã Mai Pha, tỉnh Lạng Sơn chìm trong biển nước. Ảnh: Thắng Trung

Theo quan sát của PV Tiền Phong tại hiện trường, nhiều người dân bất ngờ với mực nước lên rất nhanh từ sông Kỳ Cùng. Chị Thanh, trú tại khu chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn), thất thần sau khi lũ dâng lên hết tầng 1, trong khi đó 2 con nhỏ của chị còn ngủ say. Đến khi nước ngập cách nóc nhà gần 2m, chị được cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn đến cứu. Chị Thanh mếu máo bảo: “chồng đang công tác ở Hà Nội, hỏi thăm, cứ ngỡ bão lụt bình thường, ai ngờ”…

Cũng vì chủ quan nên các ông: Lăng Văn Phúc (SN 1977), Vi Văn Sòi (SN 1962, đều trú tại huyện Chi Lăng), Hứa Văn Đức (SN 1982, trú tại xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc), đã thiệt mạng khi đi làm nương, qua suối bị lũ cuốn trôi. Tương tự, ông Triệu Văn Minh (trú tại xã Tràng Phái, huyện Văn Quan), bị nước cuốn, hiện nay chưa rõ sống chết ra sao.

Theo thông tin của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn, có hai trường hợp hy hữu thoát nạn trong cơn lũ hậu bão số 2. Trương Văn Chớ (SN 1983, trú tại xã Xuất Lê, huyện Cao Lộc), đi chơi về gặp nước lũ, may vớ được cành cây ven đường. Trường hợp thứ hai, Hoàng Văn Duy (SN 1996, trú tại xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình), lên nương bẻ ngô, thấy nước to, không chạy, bị cuốn trong biển nước. Trong lúc nguy cấp, anh này vớ được một vật nổi, thoát nạn.

Đột biến từ thượng lưu


Đã gần hai chục năm nay, tỉnh Lạng Sơn mới có trận lụt lớn và nhanh đến như vậy. Các năm trước, lượng mưa to, dài ngày nhưng nước chỉ mấp mé bờ sông Kỳ Cùng. Năm nay, sau nửa đêm, nước dâng tràn bờ, làm nhiều hộ dân sống kề bờ sông, không kịp chạy. 

Anh T., một thương gia liên doanh với đối tác Trung Quốc cho biết: “Ông chủ bên kia biên giới thông báo, lúc 1 giờ sáng 20/7, nước từ Trung Quốc sẽ đổ về rất lớn, vậy nên công ty huy động toàn bộ nhân viên thu dọn đồ đạc lên nơi cao, ráo. Đến tầm 3 giờ, nước về xối xả”. 

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, nước từ thượng lưu bắt nguồn từ Trung Quốc chảy về đột biến. Mực nước tăng từng giờ, có thời điểm vượt ngưỡng báo động cấp 3. Ngay đầu giờ chiều 20/7, trời đã ngớt mưa, hửng nắng, song mực nước vẫn tiếp tục dâng, tràn vào các ngõ phố tạo nên lụt, úng cục bộ TP Lạng Sơn. 

Dễ dàng nhận thấy, hệ thống thoát nước ở địa phương rất kém. Cho dù trời quang, mây tạnh, nhưng nhiều công sở, kho tàng, nhà cửa ở TP Lạng Sơn vẫn chìm trong nước. Ví như, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, nước ngập sâu trên 1 m, cán bộ, chiến sỹ phải di chuyển bằng xuồng, thuyền. Theo thống kê, 3 tạ cá trong ao của đơn vị đã hòa cùng sông nước, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Thượng tá Trương Công Minh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hai ngày nay, toàn bộ cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24 giờ, trong đó lực lượng thường trực gồm 650 người, phối hợp 4.400 dân quân tự vệ sử dụng trên 50 phương tiện ca nô, tàu, xuồng tiến hành tuần tra, ứng cứu nhân dân ở những vùng trọng yếu, nguy hiểm.

Thủy thần vây áp Lạng Sơn ảnh 2

Lực lượng quân đội kịp thời đưa người dân thoát khỏi rốn lũ. Ảnh: Duy Chiến

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng trăm hộ dân đã được lực lượng quân đội, biên phòng, công an, cán bộ địa phương ứng cứu kịp thời, đưa người, đồ đạc đến nơi an toàn. Loa phóng thanh liên tục cập nhật thông tin, tuyên truyền đến từng tuyến phố, yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với lũ lớn có nguy cơ dâng cao. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn.

Tại khu vực biên giới Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) nước lũ gây ngập úng trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân và 122 phòng trọ của các hộ gia đình từ nơi khác đến làm thuê sinh sống. Lực lượng biên phòng, Công an Lạng Sơn tăng cường nhân lực, tổ chức công tác cứu hộ cứu nạn. Đến nay, tình hình địa bàn cơ bản ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo.

Theo thống kê; đến cuối ngày 20/7, có 3.061 ngôi nhà trên địa bàn Lạng Sơn bị ngập nước, 28 nhà sập, 60 nhà tốc mái, sạt lở, trên 15.000 m3 đất đá sạt lở, 2.000 ha hoa màu bị hư hại, mất trắng.

MỚI - NÓNG