Thủ tướng: “Không cấm nhưng phải hạn chế phát triển xe cá nhân”

Các tuyến đường giao thông dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe.
Các tuyến đường giao thông dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe.
TP - Trước tình trạng gia tăng quá nhanh phương tiện giao thông với gần 1 triệu ô tô, 7 triệu xe máy, chen lấn nhau đang làm tình hình ùn tắc diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “chúng ta không cấm nhưng phải có chính sách, biện pháp hạn chế phát triển xe cá nhân”.

Chiều 23/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo TPHCM về tình trạng ùn tắc giao thông.

Gây bức xúc cho dân

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết tốc độ lưu thông trung bình tại trung tâm thành phố (theo kết quả từ hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt) vào giờ cao điểm sáng là 19km/h, cao điểm chiều là 18 km/h và giờ thấp điểm là 20,9km/h.

Trong năm 2016, trên địa bàn thành phố có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông thuộc các khu vực như: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm thành phố và các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô. Sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp, TPHCM đã kéo giảm còn 30 điểm đen về ùn tắc giao thông.

“Các bộ ngành cần vận dụng linh hoạt các cơ chế nhưng dù thế nào vẫn phải tuân thủ việc đấu thầu, chỉ định thầu phải công khai, minh bạch. Vừa rồi kiểm toán phát hiện nhiều vấn đề. Các trạm thu phí BOT sắp tới sẽ phải xử lý. Không công khai, minh bạch ai giám sát? Đó là chưa nói có những thỏa thuận ngầm, bán dự án…”.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

“Tình trạng ùn tắc tại khu cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, gây bức xúc cho người dân”, ông Khoa nhìn nhận.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, đã thành lập tổ công tác giải quyết ùn tắc và sắp tới sẽ đẩy nhanh tiến độ một số dự án, xây bệnh viện ở ngoại thành… để giải quyết nạn kẹt xe.

Thành phố kiến nghị Thủ tướng một số cơ chế đặc thù khi thực hiện một số công trình cấp bách, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng như chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư, phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh, được khống chế số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đường sắt từ ga Bình Triệu về ga Hòa Hưng có 17 điểm giao cắt với đường bộ, gây ùn tắc giao thông. Đường hàng không đang ùn tắc từ trong ra ngoài.

Đồng tình với kiến nghị của TPHCM về cơ chế đặc thù, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng lưu ý thành phố quy định một số khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng, nghiên cứu chính sách hạn chế nhập cư vào TPHCM, chính sách thu hồi xe cũ có niên hạn sử dụng trên 5 năm.

Không để ảnh hưởng đến người dân

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nói nếu không giải quyết tốt vấn đề di dân thì khó giải quyết ùn tắc giao thông và an ninh trật tự. “Đề nghị nâng cấp, xây dựng trung tâm chỉ huy điều hành giao thông. Vừa rồi tôi làm việc ở TPHCM, khi xảy ra ùn tắc, anh em tự xoay xở giải quyết là chính”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng tình việc giao đất để TPHCM làm hồ điều hòa chống ngập và xây nhà ga, mở rộng bãi đỗ máy bay. Về xử lý sân golf 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ đang chờ ý kiến hai Bộ GTVT, KHĐT.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói TPHCM đang ùn tắc cả trên trời, dưới đất, do tốc độ gia tăng dân số và phương tiện cá nhân (đặc biệt là ô tô) quá nhanh, trong khi phương tiện vận tải công cộng chiếm rất ít (dưới 7%) và chưa có đường sắt đô thị. Tình trạng ùn tắc đường hàng không do đường bộ, đường sắt không cạnh tranh lại hàng không giá rẻ. Vé máy bay có lúc còn rẻ hơn đường bộ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ ngành liên quan đã đưa ra 3 phương án, trong đó phương án 3 khả năng thực hiện trong tầm tay với chi phí khoảng 900 triệu USD và nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 45 triệu khách/năm.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý: Máy bay lòng vòng cả tiếng trên trời vừa tốn nhiều tiền, vừa mất an toàn hàng không.

“Văn hóa giao thông chưa đạt yêu cầu, xử phạt chưa nghiêm. Phạt cho sợ như các nước mình chưa làm được. TPHCM cần xử lý triệt để nạn lấn chiếm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xem xét lại các quy hoạch, xây dựng đô thị vệ tinh, đưa các khu công nghiệp ra xa hơn, không để mỗi khi tan ca, công nhân tràn ra đường gây kẹt xe. Quy hoạch giao thông tĩnh phải đồng bộ với quy hoạch không gian, cao tầng. Các trung tâm thương mại không được phát triển trong nội thành nữa. Các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động về ùn tắc giao thông”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình lưu ý.

Nhất trí tạo cơ chế tốt nhất để TPHCM đầu tư kết nối giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình ùn tắc trong sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển, nguồn lực và thu hút đầu tư.

Tình trạng gia tăng quá nhanh phương tiện giao thông với gần 1 triệu ô tô, 7 triệu xe máy, chen lấn nhau đang làm tình hình ùn tắc diễn biến phức tạp. “Chúng ta không cấm nhưng phải có chính sách, biện pháp hạn chế phát triển xe cá nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải quyết nhanh thủ tục cho TPHCM, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành trong vòng 21 ngày phải có kết quả giải quyết đề nghị của thành phố, “không để TPHCM chạy vào, chạy ra”.

“Sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mấy cuộc họp, đề nghị hoàn thiện các phương án một cách chặt chẽ, toàn diện đúng pháp luật trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Về phục vụ tết, TPHCM chỉ đạo xử lý xe dù, bến cóc, không để xảy ra những tụ điểm phức tạp. Bí thư, chủ tịch thành phố phải thường xuyên kiểm tra, không để ùn tắc ảnh hưởng đến việc đi lại, về quê ăn tết của hành khách. Tôi lưu ý là vừa qua có nhiều hành khách lỡ chuyến bay, lỡ tàu không về quê được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG