Thử thách với Covid-19

TP - Covid-19 đang thử thách sự bền bỉ, tính thích nghi không chỉ với Chính phủ mà còn với cả từng doanh nghiệp.

Dịch bệnh không có “quý 1”, “quý 2” hay “ngắn hạn”, “dài hạn” để mà tính toán kết quả như trong lĩnh vực kinh tế. Nếu chỉ mới tuần trước, các chỉ số khống chế lây lan Covid-19 trong nước tưởng đã an tâm phần nào, 2 ngày cuối tuần vừa rồi với các thông tin ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý… càng cho thấy dịch bệnh diễn biến khó lường và phải xử lý bằng trách nhiệm không biên giới.

Thế nhưng, những chuyến bay xuyên biên giới đang giảm dần tần suất bay. Những chuyến bay rỗng, ế ẩm dù giá vé chỉ bằng xe khách xuất hiện liên tục. Doanh nghiệp hàng không phải đi rao cho thuê tàu bay và dự kiến thiệt hại tầm 10 nghìn tỷ đồng. Từ câu chuyện này, mới thấy quyết định của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dừng hoạt động hãng bay Vinpearl Air là một may mắn lớn (bên cạnh việc giảm đầu tư dàn trải). Bởi vì, ai biết được lúc nào có đại dịch?

Tuy vậy, nói một cách lạc quan, dịch bệnh cũng tạo ra một số cơ hội. Nhiều doanh nghiệp liên quan dược phẩm, y tế (đơn vị cung cấp, phân phối vật tư tiêu hao; thực phẩm chức năng, thuốc… cho ngành y tế) sẽ ít nhiều được hưởng lợi; lĩnh vưc thương mại điện tử; marketing số và quảng cáo trực tuyến… được tận dụng tối đa. Có thể nói, đây cũng là lúc giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số, thay vì kinh doanh theo cách thức cũ. Tránh lệ thuộc vào một thị trường truyền thống sẽ thấm thía như một bài học “bỏ trứng vào một giỏ”. Câu chuyện chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất hiển thị rõ ràng trong bối cảnh này. 

Việt Nam đã có nhiều “sân chơi” lớn, như WTO (Tổ chức thương mại thế giới); sân chơi quen thuộc cỡ vừa có trong Cộng đồng ASEAN; sân chơi triển vọng là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu). Dù sân chơi đa dạng, nhưng nhiều khi doanh nghiệp chưa chắc có đủ tâm thế, năng lực để khai thác hiệu quả. Hình ảnh chiến thắng của Đội tuyển bóng đá Nam và Nữ của nước ta thời gian qua được nhiều người mến mộ bởi vì dường như ai cũng thấy bóng dáng mình trong đó.

Doanh nghiệp lại càng rõ. Muốn có nhiều tỷ phú USD, bản thân mỗi doanh nghiệp phải biết khao khát, cộng với những chính sách lành mạnh, thực sự kiến tạo, đồng hành. Nhiều khi có thực lực, nhưng cũng cần phải biết tin vào bản thân mình, như các cầu thủ bóng đá.

Sự chuyển mình trong dịch bệnh của doanh nghiệp không chỉ tìm thị trường mới, chờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, mà cần thiết phải thay đổi chính mình (nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…) như cầu thủ cần lên hạng đá chuyên nghiệp.

Ở một góc độ nào đó, Covid-19 là một phép thử cũng giống như bóng đá. Với đôi chân kỹ thuật kết hợp cái đầu chiến thuật (được rèn luyện cùng huấn luyện viên tài ba), cùng chút may mắn, cầu thủ có thể đưa bóng vào lưới.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.