Thí điểm cơ chế đặc thù: Địa phương nên cam kết để 'đối ứng' niềm tin 500 đại biểu

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
TPO - Đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế cần kèm theo cam kết về tính hiệu quả, để "đối ứng" với niềm tin gần 500 đại biểu.

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Hải Phòng và 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Cho ý kiến, các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý phát triển kinh tế xã hội, dẫn dắt sự phát triển, là định hướng chiến lược về phân bố phát triển và tổ chức không gian. Ông nhấn mạnh, quy hoạch là yếu tố cần có sau các chiến lược.

Liên hệ cơ chế đặc thù với quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế, ông Nhân nêu vấn đề, khi xây dựng chính sách cơ chế đặc thù các địa phương này đã tính tới sự liên kết với các địa phương lân cận hay chưa? “Chúng ta phải đặt cơ chế đặc thù trong tổng thể nền kinh tế chứ không phải riêng lẻ”, đại biểu đoàn Bình Dương lưu ý.

“Khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Chính phủ xác định vai trò thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu KTXH của miền Trung và Tây Nguyên. Lần này đề cập đến Thanh Hoá cũng nhấn mạnh, Thanh Hoá từng bước là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung và cả nước. Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng khu vực miền Trung giữa Thanh Hoá, Đà Nẵng trong trường hợp này? Các địa phương mới hưởng đặc thù sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược liên kết vùng?”, ông Nhân nêu vấn đề.

Hiện Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đang hưởng cơ chế đặc thù phát triển. Theo đại biểu, trong khi nguồn lực quốc gia yếu và thiếu, việc đi tìm động lực tăng trưởng là ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước vừa trải qua đại dịch nặng nề.

Để tránh tồn tại dù chủ quan hay khách quan, theo ông Nhân, dự thảo kèm theo nên có cam kết hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù để đối ứng với niềm tin gần 500 đại biểu trao cho các địa phương này.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhất trí với dự thảo nhằm cụ thể hoá chủ trương Đảng, Nhà nước trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này. Trong quá trình thực hiện, đại biểu lưu ý, Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện đảm bảo hiệu quả hiệu lực thi hành của các nghị quyết, đồng thời theo dõi giám sát việc thực hiện cơ chế đặc thù. Đồng thời chỉ đạo bộ, ngành kịp thời làm việc với các địa phương để xử lý các vướng mắc nếu có. “Thành uỷ, tỉnh uỷ các địa phương phát huy tinh thần tự lực tự cường, đảm bảo đồng bộ các chính sách đặc thù làm đòn bẩy phát triển”, ông Sơn nêu.

Đối với việc đề xuất thành lập khu thương mại tự do ở thành phố Hải Phòng từng được trình tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, theo đại biểu, đây là điểm mới, nhiều vấn đề phức tạp, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn an ninh, quốc phòng, hội nhập, an toàn xã hội… Dự thảo vấn đề này đã được trình từ năm 2017, đến nay vẫn đang nghiên cứu. Đại biểu đề nghị có nghiên cứu hết sức tổng thể mô hình quản lý đặc thù áp dụng khu thương mại tự do.

Trong khi đó, đại biểu Cầm Hà Trung (đoàn Phú Thọ) đề nghị, chính sách đặc thù cần có sự minh bạch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân, tránh cơ chế xin cho, đồng thời xem xét lựa chọn thí điểm mang tính đại diện vùng miền, sau đó hoàn thiện khung pháp lý, áp dụng cho toàn quốc.

“Nên chú trọng cơ chế phân cấp phân quyền và cần làm rõ hiệu quả thí điểm so với không thí điểm ra sao”, đại biểu lưu ý.

MỚI - NÓNG