Thêm nguồn thịt lợn nhập khẩu: Vì sao giá vẫn cao?

Dự kiến vào đầu quý IV/2020, nguồn cung thịt lợn mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong. Ảnh: Bình Phương
Dự kiến vào đầu quý IV/2020, nguồn cung thịt lợn mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong. Ảnh: Bình Phương
TP - Giá thịt trên thị trường vẫn cao, dù nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Một lượng thịt lợn nhập khẩu đã được bổ sung nhưng còn vắng bóng trên thị trường do thiếu hệ thống phân phối.

Thịt nhập “vắng bóng” do thiếu hệ thống phân phối

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 43.000 tấn thịt lợn, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019. Thịt lợn Việt Nam chủ yếu nhập từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ…

Liên quan đến lượng thịt lợn nhập từ Nga, Cục Thú y cho biết, từ cuối tháng 1/2020 đến nay, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm thủ tục xuất khẩu gần 3.500 tấn thịt lợn thông qua 15 DN của Việt Nam. Các lô hàng về đến các cảng Cát Lái, Phương Long, Hải Phòng ngày 18/3 và đã bắt đầu cung cấp ra thị trường.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại các siêu thị ở Hà Nội như: Vinmart, Saikamart, Coopmarrt, Big C... gần như thịt lợn nhập khẩu “vắng bóng”, hoặc rất ít được bán.Thiếu sự tiếp sức của các chuỗi, hệ thống siêu thị, thịt lợn nhập chưa thể phát huy tác dụng trong việc kéo giảm giá thịt lợn trong nước.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, hệ thống Big C miền Bắc không bán thịt lợn đông lạnh nhưng miền Nam có bán và số lượng ít.  Giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn thịt tươi trong nước 7-9%, nhưng số lượng tiêu thụ thấp.Hiện tại, nguồn cung thịt tươi của siêu thị dồi dào, đảm bảo cho người tiêu dùng trong mùa dịch COVID-19.

Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị MM (Mega Market) cho hay, MM đang phân phối thịt vai, chân lợn, sườn lợn xuất xứ châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, số lượng chỉ chiếm 2%, 98% còn lại là thịt heo trong nước.

Thịt nhập vắng bóng, trong khi đó giá thịt tươi trong nước vẫn  cao. Qua khảo sát ngày 8/4, giá thịt lợn bán ở Hà Nội ở mức 140.000-240.000 đồng/kg (tùy loại). Tại các siêu thị Hà Nội, thịt ba rọi giá 185.000-210.000 đồng/kg, thịt chân giò 160.000-180.000 đồng/kg, sườn thăn 180.000-190.000 đồng/kg. Riêng các doanh nghiệp có thương hiệu, giá ba rọi 286.900 đồng/kg, còn sườn thăn là 295.900 đồng/kg.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, mặt hàng thực phẩm đông lạnh sẽ góp phần kéo giá thịt lợn đang leo thang.

Tuy nhiên, theo ông Phú, thịt lợn nhập có nhưng không bán ở chợ. Do thiếu hệ thống phân phối đủ mạnh nên thịt nhập chưa thể giúp kéo giá thực phẩm trong nước xuống thấp hơn. Thực tế cho thấy, lượng thịt lợn nhập về khoảng 50.000 tấn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu 3,8 triệu tấn. Chưa kể, tâm lý của người dân thích ăn thịt tươi vẫn đang chiếm tới 90%.

“Sáng 8/4, tôi đi siêu thị Lotte Tây Sơn. Ở đây, thịt ba chỉ của Ba Lan so với ba chỉ trong nước chỉ thấp hơn 25.000- 27.000 đồng/kg. Họ bày bán có 4 hộp, tem dán lại ghi ở đáy hộp nên khó tiêu thụ”, ông Phú nói.

Vì sao giá thịt lợn chưa giảm?

Từ ngày 1/4, 15 DN chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi theo cam kết với Chính phủ còn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vì sao thịt lợn bán tại chợ, siêu thị vẫn cao?

Lý giải điều này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: “Thứ nhất, một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có biểu hiện ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá. Họ còn có những biểu hiện tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, làm tăng thêm chi phí trung gian góp phần đẩy giá thịt lợn ở thị trường bán lẻ”, ông Phú nói.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, giá thịt lợn cao có nhiều nguyên nhân. Dịch tả lợn châu Phi xảy (xảy ra từ tháng 2/2019) khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 20% tổng đàn.Người chăn nuôi thiệt hại lớn nhất. Còn trên thị trường, do thiếu hụt nguồn cung nên thịt lợn tăng giá.

Với tốc độ tái đàn, tăng đàn vừa qua, đến cuối tháng 3/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 24 triệu con, tăng khoảng 6,3% so với tháng 12/2019.

“Với đà này, dự kiến quý III, đầu quý IV tới,  số lượng lợn sẽ bằng với những tháng cuối năm 2018. Lúc đó, chúng ta mới có đủ lượng thịt để cung cấp cho thị trường”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, 15 DN đã đồng hành giảm giá lợn hơi từ 1/4, tuy nhiên do số lượng lợn tại các DN này vẫn chưa đủ sức chi phối thị trường. “Mặt khác, còn rất nhiều khâu trung gian, từ khâu giết mổ nhỏ lẻ đến bán hàng nhỏ lẻ tồn tại nên người tiêu dùng chưa được hưởng giá thịt thấp như chúng ta mong muốn”, ông Cường nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.