Thêm một kiểu BOT

TP - Báo cáo tại phiên giải trình ngày 4/11 vừa qua về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm do HĐND TP Hà Nội tổ chức, giải thích về sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Trực tiếp tôi và đồng chí Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP - PV) phải gọi điện cho lãnh đạo cao nhất của Công ty và những cổ đông chính của Công ty thì lúc đó họ mới thừa nhận việc phát hiện nhiễm dầu”. 

Lời chia sẻ của vị Chủ tịch thành phố khiến không ít người giật mình vì ngay cả người đứng đầu chính quyền thành phố còn phải “tìm gặp” nhiều lãnh đạo Công ty nước sạch sông Đà để hỏi thông tin như vậy thì những người khác cấp bậc nhỏ hơn, hoặc người dân bình thường cần gặp lãnh đạo công ty thì sẽ khó khăn đến chừng nào?

Trở lại chuyện đầu tư nhà máy nước sông Đà, có lẽ cũng là cách hiểu thêm điều mà ông Nguyễn Đức Chung nói. Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà tiền thân là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, nhưng từ năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn khỏi Viwasupco. Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX đã nắm giữ trên 60% cổ phần của nước sạch sông Đà. Một cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần. Tư nhân đã là ông chủ mới của nước sạch sông Đà.

Được chính quyền ưu ái trải thảm đỏ, lợi nhuận lớn nhưng bản thân những ông chủ của nhà máy nước sông Đà đã đặt lợi nhuận lên trên hết, xem thường quyền lợi của khách hàng khi duy trì công nghệ lạc hậu, không xây dựng hệ thống mương dẫn nước kín, không có hồ chứa nước riêng, không có hệ thống quan trắc tự động kiểm soát chất lượng nước…

TS Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, cổ phần hóa là chủ trương đúng nhưng cần lựa chọn lĩnh vực. Nước sạch là mặt hàng liên quan trực tiếp cuộc sống hằng ngày của người dân và có tính an toàn, thậm chí là an ninh cao nên việc cung cấp nước sạch phải được xem là “dịch vụ công” và là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như điện, xăng dầu, khí đốt… Mọi hoạt động từ sản xuất đến cung cấp nước ra thị trường phải có sự giám sát chặt của cơ quan quản lý nhà nước.

Một vấn đề khác đó là khi hàng loạt nhà máy nước sạch như sông Đà, sông Đuống ra đời với cơ chế đầu tư như hiện nay khiến nhiều chuyên gia cho rằng cũng chẳng khác gì một kiểu BOT trong nước sạch.

“Giống như giao thông thời gian qua, doanh nghiệp đầu tư, tự kê, tự khai rất khó kiểm soát mặc dù báo cáo nào cũng nói là đã được kiểm soát nhưng khi thanh tra, kiểm toán nhà nước vào cuộc thì lại lộ ra hàng loạt sai phạm, kê khống cả đầu tư gấp nhiều lần. Thực trạng trong BOT giao thông liệu có lặp lại với nước sạch không?”, một chuyên gia trao đổi với PV Tiền Phong cho biết.

Trở lại chuyện Chủ tịch Hà Nội xin rút kinh nghiệm về sự cố nước sông Đà, công luận càng thêm lo ngại.  Rồi sau lời hứa rút kinh nghiệm sẽ là gì nữa khi ông chủ nhà máy đã là tư nhân và quan trọng hơn là cơ chế kiểm soát chất lượng nước sạch vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp?

 
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.