Thêm một giờ cho mùa đông

Thêm một giờ cho mùa đông
TP - Đêm Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười, khi người ta đang say giấc ngủ, kim đồng hồ một số nước phương Tây bỗng quay ngược lại một giờ. Mùa đông chưa sang nhưng giờ mùa hè đã hết, sống ở xứ lạnh không thể... tuyết đến chân mới nhảy!

> Ấm áp Hẹn hò mùa thu
>Những thiếu nữ TH trên đồng cỏ xanh

Thoạt đầu tôi tự hỏi, chỉ thêm một giờ cho mùa đông lợi lộc gì, nếu như không muốn nói đồng hồ sinh học chưa thích ứng kịp, đầu óc chẳng hóa ra hơi đảo điên trong ngày đầu tiên đổi giờ hay sao?

Nhưng rồi chợt hiểu ra, thêm một giờ thôi, cũng giúp bao người được ấm lòng trong giá rét. 60 phút ấy đủ thực hiện một nguyện ước cho lòng bình an hơn khi Giáng sinh sắp đến, nếu ta thực sự để tâm. Ở châu Âu vài năm tôi cũng quen dần cảnh người ăn xin ngồi trong các góc phố. Nhưng phải thấy cảnh trẻ nhỏ đến trường không bữa sáng, chỉ một chút bánh mang theo thậm chí chẳng có gì ăn trưa, thử hỏi ông bố bà mẹ nào cầm lòng nổi. Mùa đông càng nhịn đói rét càng buốt xương!

Thực tế là thế đấy! Nước Bỉ- nơi EU đóng trụ sở, vẫn mong manh niềm tin khủng hoảng tài chính mang tính đổ vỡ hàng loạt như ở Hy Lạp mấy năm trước hoặc khó khăn ghê gớm tại Tây Ban Nha lúc này, không xảy ra ở xứ sở của sôcôla. Nhưng thất nghiệp ngày càng nhiều, quý sau tăng hơn quý trước, báo chí dày hơn thông tin học sinh đến trường không có bữa trưa mang theo.

Bởi, bỗng dưng bố mẹ chúng nghèo! Tiền trợ cấp cũng giảm đi theo số năm mất việc, muốn tăng nhiệt cho căn nhà ấm vào mùa đông, đành phải cắt bữa ấm ở trường của con. Bà Elke Decruynaere - ủy viên hội đồng thành phố Ghent phụ trách về giáo dục vừa báo động như thế với báo chí. Còn một thành viên của Hội đồng giáo dục vùng Flanders miêu tả “Giáo viên đến trường với một ổ bánh mì lớn và cả lọ sôcôla để chia từng lát bánh cho học sinh nghèo”. Thầy ăn mà trò đứng nhìn, nuốt làm sao nổi.

Mùa đông năm ngoái, tôi lên Brussels mua sắm ở một cửa hàng của người Việt, nghe chủ tiệm thở than “Bố mẹ không trả tiền nhưng đến bữa trưa nhiều học sinh gốc nhập cư vẫn xếp hàng vào căng tin chìa đĩa, chẳng lẽ nhà trường lại không chia thức ăn cho chúng? Nghĩ vừa thương vừa sợ mang tiếng dân nhập cư”.

Đến đây bạn đọc sẽ hỏi, chuyện này liên quan gì việc thêm một giờ cho mùa đông? Có đấy! Ấy là bởi nhiều giáo viên, nhiều đại diện trường học ở các thành phố lớn như Brussels, Antwerpen, Ghent và gần đây là Leuven tranh thủ sau giờ tan học âm thầm đến các nhà hàng, siêu thị hỏi xin thực phẩm thừa về nấu cho học sinh nghèo ăn bữa trưa hôm sau.

Gọi là thực phẩm thừa, thịt rau sắp hết date nhưng nếu đem về nấu ngay trong ngày, hoặc cất tủ đá, vẫn đảm bảo bữa ăn đủ dưỡng chất, chỉ không tươi ngon mà thôi. Các nhà hàng, siêu thị vào mùa đông cũng tuồn ra cửa sau nhiều hơn món ăn thừa, thực phẩm không tiêu thụ hết trong ngày cho người vô gia cư đến nhận.

Suy cho cùng, cung cấp bữa ăn cho trẻ nghèo không phải là việc của giáo viên và nhà trường. Việc của họ là dạy cho tốt mà thôi. Chính phủ phải có trách nhiệm với 9,7% trẻ em sinh ra trong nghèo khó ở vùng Flanders.

Trong khi ngân sách còn đi với tốc độ rùa bò, các giáo viên và những người phải hàng ngày nhìn trẻ em đói ở trường vẫn tận dụng thêm một giờ mùa đông ấy để tăng tốc! Tôi bỗng nghĩ về quê hương mình, giờ cũng rầm rộ phong trào tặng áo ấm trẻ vùng cao, bữa cơm có thịt, chăn bông cho mùa đông... Nhưng những người làm công việc thiện nguyện ý nghĩa ấy ở quê hương tôi lại không có thêm một giờ mùa đông quý giá.

Khi đông thực sự đến, mặc kệ những người Việt định cư lâu năm ở châu Âu thường dặn “ăn xin bên này cũng chẳng biết là thật hay giả đâu”, tôi vẫn thỉnh thoảng bỏ vài đồng xu vào ống bơ của ông già bà cả rách rưới co ro trong góc phố sáng đèn nhà hàng và ấm sực mùi thức ăn.

Một lần, ngay bến xe buýt, tôi cũng bỏ một đồng 50 cent vào ống bơ trước mặt ông lão có râu tóc và áo khoác rối nhàu màu vô gia cư. Nhưng quái lạ, đồng xu không vang lên theo kiểu kim loại chạm vào nhau, mà như rớt vào một khoảng êm ái nào đó.

Ông cụ ngước mắt nhìn tôi, giơ ống bơ lên, đồng xu nằm gọn giữa những sợi thuốc lá nâu đen mịn màng. Ông cười cười nhặt trả lại đồng 50 cent “Rét quá, thèm thuốc. Ngồi chờ xe buýt nên lão quấn thuốc hút ấy mà. Cảm ơn cô nhiều, giữ lấy để cho người cần, cô nhé”. Lên xe buýt rồi ông còn quay lại, vẫy vẫy ra ý cám ơn tôi lần nữa. Tôi quả thật hơi ngượng vì nhìn nhầm ông là người ăn xin, nhưng ấm lòng ngay vì ý nghĩ mình đã không nhìn nhầm lòng tốt còn đâu đó quanh ta!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.