Nga hoàn tất sáp nhập Crimea

 Tự vệ thân Nga gác trước tổng hành dinh hải quân Ukraine tại Sevastopol sau khi chiếm giữ hôm 20/3. Ảnh: AP
Tự vệ thân Nga gác trước tổng hành dinh hải quân Ukraine tại Sevastopol sau khi chiếm giữ hôm 20/3. Ảnh: AP
TP - Ngày 21/3, Thượng viện Nga thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol vào Liên bang Nga với 155/166 phiếu thuận. Cùng ngày, Mỹ và EU công bố thêm các biện pháp trừng phạt Nga; Mátxcơva lập tức thông báo trả đũa.

Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga, sau khi Hạ viện nước này phê chuẩn ngày 20/3. Theo báo Mỹ New York Times, Mỹ thông báo trừng phạt Rossiya, ngân hàng gắn bó chặt chẽ với nhóm lợi ích nòng cốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, áp đặt lệnh cấm giao dịch và phong tỏa tài sản đối với Rossiya cùng Chủ tịch Yuri Kovalchuk. Lệnh trừng phạt mới này còn nhắm tới các doanh nhân tỷ phú thân cận với ông Putin như Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg, Boris Rotenberg.

Gần như ngay lập tức, Nga trả đũa bằng cách công bố biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Mỹ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ba thượng nghị sỹ, ba quan chức Nhà Trắng.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo: “Với mỗi hành động thù địch, chúng tôi sẽ đáp lại tương xứng”. Phát ngôn viên điện Kremlin tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga là “không thể chấp nhận được”. Hãng tin Mỹ AP đưa tin, Tổng thống Putin họp Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố không cần thiết phải trả đũa Mỹ thêm. Trong phiên họp được truyền hình, ông Putin còn chế nhạo rằng sẽ mở một tài khoản ở chính ngân hàng vừa bị Mỹ trừng phạt.

Chia rẽ

Hôm qua, 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ ủng hộ Ukraine bằng cách ký thỏa thuận hợp tác với nước này, nhưng lại tê liệt vì bất đồng nghiêm trọng về vấn đề trừng phạt Nga, tờ Le Monde (Pháp) đưa tin.

Theo Tổng thống Litva, 21 quan chức Nga và Ukraine bị trừng phạt hôm 17/3 còn quá ít, lại chỉ là những quan chức cấp thấp. Cần phải nhắm vào hàng ngũ những người thân cận với Tổng thống Putin. Vấn đề hóc búa nhất là một số lãnh đạo EU muốn áp đặt trừng phạt kinh tế, nhưng số khác tỏ ra rất ngần ngại.

Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, nếu Nga chấp nhận đàm phán và giảm căng thẳng thì sẽ không áp đặt các trừng phạt khác. Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cảnh báo, phải hết sức thận trọng, bởi EU cần phòng bị vũ khí đề phòng leo thang căng thẳng, nhưng mặt khác cũng phải “chú ý tới các lợi ích” của châu Âu...?

Vấn đề khí đốt trở thành tiêu điểm tranh luận, vì EU đang phụ thuộc 25-30% lượng khí đốt nhập từ Nga. Đức, nước phụ thuộc khí đốt Nga hơn những nước EU khác, bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng, không muốn vượt quá các biện pháp trừng phạt cá nhân.

Rốt cuộc, Hội nghị thượng đỉnh EU quyết định thêm vào danh sách trừng phạt 11 quan chức Nga và Ukraine, nâng tổng số lên 33 người, trong đó bao gồm cả “một số quan chức hàng đầu” của ông Putin, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết quyết định đình chỉ một phần hợp tác quân sự với Nga.

Báo Anh Daily Mail ngày 21/3 đưa tin, Ukraine đã bắt đầu rút quân khỏi Crimea, do lo ngại Nga có kế hoạch xâm nhập sâu hơn vào vùng lãnh thổ phía đông, sau khi lực lượng tự vệ thân Nga chiếm 3 chiến hạm hải quân Ukraine tại Sevastopol.

Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cam kết với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel rằng, Mátxcơva sẽ không tấn công miền Đông Ukraine.

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Bình Giang

MỚI - NÓNG