Mỹ có thể sử dụng thiết bị định vị tàu ngầm tìm MH370

Towed Pinger Locator, hệ thống định vị tham gia cuộc tìm kiếm máy bay Air France rơi năm 2009. Ảnh: Meretmarine
Towed Pinger Locator, hệ thống định vị tham gia cuộc tìm kiếm máy bay Air France rơi năm 2009. Ảnh: Meretmarine
Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng đưa thiết bị định vị tàu ngầm tham gia cuộc tìm kiếm máy bay MH370 sau lời đề nghị từ Bộ trường Quốc phòng Malaysia.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ông Hishammuddin Hussein đề nghị Mỹ gửi các loại thiết bị giám sát dưới biển đến khu vực tìm kiếm máy bay.

"Malaysia không yêu cầu một loại cụ thể nào", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby, nói hôm qua. "Họ chỉ yêu cầu chúng tôi giúp định vị mảnh vỡ hoặc hộp đen". Theo phát ngôn viên, ông Hagel cho biết sẽ xem xét lời đề nghị và cân nhắc khả năng giúp đỡ.

Hải quân Mỹ có rất nhiều hệ thống định vị thủy âm chủ động lẫn thụ động. Một vài thiết bị phát ra tiếng "ping" dưới biển và kiểm tra những âm thanh vọng lại, một số khác dò âm như một chiếc microphone (thiết bị chuyển đổi âm thanh sang tín hiệu điện tử).

Quân đội Mỹ từng gửi Towed Pinger Locator, một hệ thống định vị được kéo sau tàu, đi tìm hộp đen của chiếc máy bay Air France rơi xuống Đại Tây Dương tháng 6/2009. Towed Pinger Locator dò được các máy bay thương mại và máy bay của hải quân bị chìm ở độ sâu lên tới 6.000 m.

Các máy bay do thám P-8 và P-3 mà Mỹ triển khai đi tìm MH370 cũng mang "sonobuoy", hệ thống dò sóng âm dưới biển.

"Nhiệt độ, dòng chảy, địa hình dưới nước, tất cả đều có tác dụng thay đổi đường truyền âm thanh", phát ngôn viên John Kirby nói. "Tuy vậy, âm thanh vẫn truyền được một quãng dài dưới nước". Theo các nhà tìm kiếm, vấn đề đặt ra là vị trí thả thiết bị định vị.

Các nhà điều tra nghi ngờ máy bay MH370 từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã bị chuyển hướng có chủ đích hôm 8/3. Họ cho biết đang tập trung vào giả thiết máy bay bị không tặc hoặc bị phá hoại, tuy không loại trừ khả năng trục trặc kỹ thuật.

Đến nay, dấu vết mảnh vỡ vẫn chưa được phát hiện. Phó Thủ tướng Australia Warren Truss hôm qua bày tỏ lo ngại rằng các mảnh vỡ có thể đã "chìm sâu dưới đáy biển".

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia thừa nhận thời gian không còn nhiều. Theo các chuyên gia, hộp đen máy bay chỉ truyền tín hiệu điện tử trong khoảng 30 ngày rồi sẽ hết pin, sau đó rất khó để định vị.

"Chúng ta còn ba tuần để tìm hộp đen, nếu không chiếc máy bay sẽ mất tích mãi mãi", Alan Diehl, người dành 40 năm điều tra các vụ tai nạn máy bay cho Mỹ, nói. Diehl cho rằng Lầu Năm Góc nên gửi thêm tàu ngầm và máy bay tìm kiếm.

Lầu Năm Góc ước tính đã chi khoảng 2,5 triệu USD cho cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Bộ Quốc phòng Mỹ dành ngân tổng ngân khoản là 4 triệu USD cho cuộc tìm kiếm dự kiến kéo dài đến đầu tháng 4. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 19/3 khẳng định việc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ mọi nguồn lực cho Malaysia.

Theo Trần Trang

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.