Cô Kim Yeo-jong được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng này vào năm ngoái.
Trước đó, ghế Chánh văn phòng thuộc về ông Kim Chang-son, nay được điều sang làm lãnh đạo Ban Đối ngoại. Đây là lần đầu tiên, một thành viên của gia đình họ Kim giữ chức Chánh văn phòng đảng Lao động Triều Tiên.
Văn phòng Trung ương đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm mua sắm và cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un và gia đình. Văn phòng cũng đảm nhiệm xử lý các công văn, báo cáo của đảng, chính phủ, Ủy ban Quốc phòng và các cơ quan nhà nước trọng yếu khác.
Cô Kim Yeo-jong có tên trong danh sách ủy viên Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Một số chuyên gia về Triều Tiên tin rằng, cô Kim Yeo-jong hiện là người có ảnh hưởng lớn nhất trong gia đình họ Kim, chỉ sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Người cô ruột Kim Kyong-hui trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Công nghiệp nhẹ năm 1976, khi mới 30 tuổi. Chưa tới 41 tuổi, bà đã được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Theo báo chí Hàn Quốc, khả năng cô Kim Yeo-jong sẽ thăng tiến nhanh hơn nhiều, nhất là sau vụ thanh trừng nhân vật số hai Jang Song-thaek.
Triều-Hàn đọ pháo
Ngày 31/3 xảy ra cuộc đấu pháo giữa quân đội CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trên khu vực biên giới biển Hoàng Hải giữa hai nước, nhưng không có thương vong, hãng tin Mỹ AP dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc bắn trả sau khi đạn pháo của Triều Tiên rơi vào phía biển Hàn Quốc. Một phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói rằng, nước này không dung thứ cho các hành động khiêu khích và đã ra lệnh đáp trả. Chính quyền Hàn Quốc cũng yêu cầu người dân đảo Baengnyeon sơ tán khẩn cấp khi hai bên đấu pháo.
Trước đó, sáng 31/3, Triều Tiên bất ngờ thông báo cho Hàn Quốc rằng, sẽ tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía tây. Triều Tiên yêu cầu tất cả các máy bay và tàu thuyền tránh xa khu vực trên. Khu vực ranh giới biển xảy ra đấu pháo luôn là điểm nóng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cuối năm 2010, hai binh sĩ và hai dân thường Hàn Quốc thiệt mạng sau khi Triều Tiên nã pháo lên đảo Baengnyeon.
Hải quân hai nước cũng thường xuyên chạm trán tại khu vực này. Tháng 3/2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc cũng bị bắn chìm gần khu vực biên giới trên biển giữa hai nước, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng.
Vụ đấu pháo diễn ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân “kiểu mới”. Động thái của Triều Tiên được cho nhằm đáp lại cảnh báo trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc liên tiếp phóng tên lửa thời gian qua, trong đó có 2 tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong có tầm bắn trên 1.000km. Triều Tiên bị LHQ cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, sau khi nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân các năm 2006, 2009 và 2013. Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3, được nhận định là một vụ phóng tên lửa tầm xa.
Ngày 31/3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cảnh báo Triều Tiên sẽ “phải trả giá đắt”, nếu tiếp tục thử hạt nhân, bất chấp lệnh trừng phạt của LHQ. Về phần mình, trong thông cáo phát đi giữa lúc hai miền Triều Tiên đọ pháo, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đe dọa sẽ “hủy diệt kẻ thù và nhấn chìm đảo Baengnyeon”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau vụ đấu pháo. Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế, tránh hành động làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.