Crimea về Nga, phương Tây phát khùng

Người dân ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý tại Simferopol ngày 17/3. Ảnh: AP
Người dân ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý tại Simferopol ngày 17/3. Ảnh: AP
TP - Quốc hội Crimea ngày 17/3 bỏ phiếu tuyên bố Crimea là một nhà nước độc lập và chính thức đề nghị sáp nhập vào Nga với tư cách một nước cộng hòa. Mỹ và Liên minh châu Âu lập tức phản đối và tuyên bố xem xét áp đặt trừng phạt với Nga.

Báo Mỹ Wall Street Journal ngày 17/3 dẫn nguồn Interfax nói rằng, trừ Sevastopol được kiểm phiếu riêng rẽ do quy chế hành chính đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban trưng cầu dân ý Crimea Mikhail Malyshev công bố 96,77% dân chúng Crimea bỏ phiếu chọn sáp nhập vào Nga, 95,6% cư dân Sevastopol nhất trí sáp nhập với Nga.

Quốc hội Crimea cũng phê chuẩn việc quốc hữu hóa toàn bộ tài sản nhà nước trên bán đảo, tiếp sau tuyên bố Crimea là một thực thể độc lập, đồng rúp sẽ trở thành tiền tệ chính thức thay thế tiền Ukraine.

Hãng tin Nga Ria-Novosti tường thuật, khoảng 10.000 người tập trung lúc nửa đêm 16/3 tại quảng trường Lenin ở Simferopol để ăn mừng thắng lợi lịch sử, pháo hoa được bắn lên, trong khi người dân vẫy cờ và hát vang những bài hát thời Xô viết. “Chúng ta đang trở về nhà. Crimea sẽ thuộc về Nga”, lãnh đạo Crimea Serhiy Aksyonov tuyên bố.

Một đoàn đại biểu Crimea sẽ lên đường tới Mátxcơva; Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga sẽ xem xét thủ tục sáp nhập Crimea vào ngày 21/3. Hôm nay (18/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phát biểu trước Quốc hội Nga về Crimea. ITAR-Tass nói bài phát biểu có thể sẽ “chấp nhận Crimea vào Liên bang Nga”.

Phát ngôn viên Duma Sergei Neverov nói, kết quả trưng cầu dân ý thể hiện rõ người dân Crimea xem tương lai của họ như một phần của nước Nga. Trong khi đó, căng thẳng leo thang ở thành phố miền đông Donetsh, hàng ngàn người thân Nga đã biểu tình đòi trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga như Crimea.

Người biểu tình tụ tập trước hai tòa nhà chính phủ. Tại hai thành phố Kharkov và Odessa, hàng ngàn người thuộc lực lượng thân Nga cũng biểu tình, đốt sách viết bằng tiếng Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh cho biết, quân đội nước này được đặt trong tình trạng báo động, đang chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu tại biên giới phía tây và nam.

Trừng phạt

Theo báo Washington Post (Mỹ), ngay tối 16/3 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm thứ ba trong vòng hai tuần với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Obama tuyên bố, cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea sẽ “không bao giờ được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận”. Ông cáo buộc Nga “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” và tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Nga.

Đáp lại, ông Putin khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân ở Cộng hòa tự trị Crimea hoàn toàn hợp pháp, được tổ chức theo đúng quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, cũng như tính đến “tiền lệ Kosovo”.

Chính quyền hiện nay ở Kiev không có khả năng và “không muốn” ngăn chặn hành động bạo lực của các nhóm dân tộc chủ nghĩa và cực đoan Ukraine, đang gây bất ổn tình hình và “khủng bố” người nói tiếng Nga và kiều dân Nga ở Ukraine.

Tờ The Mirror (Đức) đưa tin, Nga đã mất quy chế nước thành viên nhóm G-8. Anh đã đề xuất chọn London là địa điểm họp thay thế cho Hội nghị thượng đỉnh theo kế hoạch diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 và quyết định đã được Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Ývà Pháp ủng hộ. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, nói rằng, ông Putin không hề tiếc nuối việc các đối tác trong nhóm G-8 loại Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cũng nhất trí rằng, bất chấp những bất đồng trong cách đánh giá vấn đề, hai bên cần cùng nhau tìm kiếm biện pháp để bình ổn tình hình ở Ukraine. Ngày 17/3, sau khi Crimea công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý, Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh và kiềm chế ở Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Lý Bảo Đông nhấn mạnh, chính trị là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) coi cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là bất hợp pháp. Ngày 17/3, quan chức EU nhóm họp để quyết định các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Báo Pháp Les Echos dẫn nguồn một quan chức cấp cao EU cho hay, lệnh cấm có thể nhằm vào 20-30 quan chức Nga và Ukraine thân Nga dưới hình thức hạn chế visa và phong tỏa tài sản.

Chiều 17/3, Tổng thống Mỹ Obama ký lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao của Nga và Ukraine. Trong số đó có Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, hai cố vấn thân cận của Tổng thống Putin. Danh sách cấm vận còn có hai lãnh đạo ly khai Crimea, Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych và cố vấn của ông này. Ngoại trưởng các nước EU cũng thông qua lệnh trừng phạt đối với 13 quan chức Nga và 8 quan chức Ukraine thân Nga.

Trong giai đoạn một, sẽ không trừng phạt các thành viên chính phủ Nga, bởi sẽ khó áp đặt lệnh cấm với những người EU đang cố gắng đàm phán một giải pháp chính trị. Nếu khủng hoảng trầm trọng hơn, EU sẽ thực hiện trừng phạt kinh tế và thương mại. Lãnh đạo 28 thành viên EU sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ngày 20 và 21/3.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.