Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire khẳng định: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam đã khiến căng thẳng leo thang trên biển Đông. Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8/5 và đã nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ trưởng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng leo thang”.
Ngày 8/5, EU ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước những diễn biến liên quan việc di chuyển giàn khoan HD981 của Trung Quốc, rằng các bên liên quan cần nhanh chóng “tìm kiếm giải pháp hợp tác và hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và tiếp tục bảo đảm an toàn, tự do hàng hải”, đồng thời “có biện pháp giảm căng thẳng và kiềm chế bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm hại tới hòa bình và ổn định ở khu vực”.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 11/5 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar được hàng loạt cơ quan truyền thông thế giới trích dẫn. Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Việt Nam đối với Trung Quốc kể từ khi nước này ngang nhiên hạ đặt giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam.
Tờ báo dẫn lời chuyên gia Murray Hiebert (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington) nhận định, Việt Nam cũng như Philippines muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ ASEAN trong vấn đề biển Đông. Wall Street Journal dẫn lời một quan chức ASEAN nói Việt Nam đã gửi một thông điệp mạnh mẽ khẳng định cam kết đàm phán hòa bình với Trung Quốc.
Các báo hãng tin lớn của thế giới như Reuters, AFP… cùng báo chí khu vực như Japan Times (Nhật Bản), Bangkok Post (Thái Lan), Inquirer (Philippines)… đều nêu bật quan điểm kiên quyết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên án Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ASEAN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.