Nhật chi “khủng”đối phó Trung Quốc

Nhật chi “khủng”đối phó Trung Quốc
TP - Ngày 17/12, Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, thông báo tăng 5% ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới, nhằm đối phó nguy cơ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trước đó, trên biển Đông, tàu hộ tống Trung Quốc suýt va chạm tàu tuần dương Mỹ.

> Chiến hạm Mỹ-Trung suýt gây thảm họa gần tàu Liêu Ninh
> Trung Quốc 'phá trận' xoay trục của Mỹ

Tàu Hải quân Mỹ và tàu Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản tập trận chung. Ảnh: US Navy
Tàu Hải quân Mỹ và tàu Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản tập trận chung. Ảnh: US Navy.

Báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin, ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2014-2019 sẽ là 240 tỷ USD, dùng để mua thêm 3 máy bay không người lái tầm xa Global Hawk, 52 xe lội nước, 17 máy bay “Ưng biển” Osprey V-22 có thể cất cánh thẳng đứng, đóng mới 5 tàu ngầm tiên tiến… Nhật Bản còn chi tiền sắm thêm 2 khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và 28 tiêm kích tàng hình F-35.

Chiến lược an ninh mới của Nhật Bản nhấn mạnh thay đổi chủ yếu trong chính sách quốc phòng từ phòng ngừa nguy cơ từ Nga ở phía bắc sang bảo vệ các hòn đảo ở biển Hoa Đông, nêu rõ “Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động nguy hiểm, có thể gây ra những sự cố bất ngờ không mong muốn”.

Chiến lược xác định Nhật Bản sẽ xây dựng một lực lượng quốc phòng chung năng động, hiệp đồng chặt chẽ trên không, trên bộ và trên biển nhằm đương đầu hiểm họa. Danh sách mua sắm vũ khí mới là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm bình thường hóa hoạt động quân sự của Nhật Bản kể từ Thế chiến hai.

Tàu chiến Trung - Mỹ suýt đâm nhau

Giới chức Mỹ mới đây thông báo, tàu Trung Quốc hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập dài ngày ở biển Đông hôm 5/12 suýt va chạm tàu tuần dương USS Cowpens, buộc chiến hạm Mỹ phải đổi hướng. Phía Mỹ cáo buộc tàu Trung Quốc cố ý chặn đường tuần dương hạm mang tên lửa lớp Ticonderoga. USS Cowpens lúc đó được cho là hoạt động gần nhóm tàu sân bay Liêu Ninh. Washington khẳng định họ đang di chuyển trên vùng biển quốc tế; chính phủ Mỹ đã phản đối hành động của Trung Quốc qua các kênh quân sự và ngoại giao.

Ngày 17/12, thăm Philippines, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Trung Quốc không nên lập thêm vùng nhận diện phòng không tại biển Đông như đã làm tại biển Hoa Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh nói đây không phải là lần đầu Mỹ do thám tàu Trung Quốc ở biển Đông. Một quan chức Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng, tàu tuần dương Mỹ tiến vào cách khu vực bảo vệ của Trung Quốc chỉ 45km. Vị này lên án tàu chiến Mỹ “quấy rối” việc diễn tập của tàu Liêu Ninh.

Theo China News, USS Cowpens thường xuyên hoạt động tại khu vực tây Thái Bình Dương, biển Đông và đã nhiều lần tập trận chung với hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy hoạt động triển khai quân sự theo chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Richard Fisher, chuyên gia Mỹ nghiên cứu quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, nhận định Trung Quốc khiêu khích Mỹ và các đồng minh Đông Á với việc ra lệnh cho tàu đổ bộ chặn USS Cowpens. Theo ông Fisher, sự cố mới đây cho thấy Trung Quốc, nước tăng cường sức mạnh hải quân hai thập kỷ qua, không cho phép Mỹ hiện diện lâu hơn nữa trong khu vực.

Chuyên gia David Finkelstein ở Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) nói với báo Mỹ Washington Post rằng, sự cố này không liên quan việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Nhưng ông đánh giá các chỉ huy hải quân Trung Quốc đã sử dụng sai phương pháp bảo vệ nhóm tàu sân bay Liêu Ninh.

Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không gây mất ổn định khu vực và gia tăng nguy cơ dẫn tới tính toán nhầm về quân sự. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh bày tỏ quan ngại về nỗ lực bao vây Trung Quốc của Mỹ và các đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines.

Thục Ninh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.