Nga sẽ trở lại Afghanistan?

Nga sẽ trở lại Afghanistan?
TP - Gần 25 năm sau khi binh sĩ Liên Xô rút khỏi Afghanistan, Nga có thể trở lại để bảo dưỡng thiết bị quân sự Nga - xương sống của quân đội Afghanistan, nhiều quan chức, nhà phân tích quốc phòng nhận định.

> Quan hệ Nga - Mỹ có thể xấu đi vì tên lửa
> Nga 'thất trận' ở Cyprus, nguy cơ mất hàng chục tỷ USD

Trực thăng Nga Mi-17 ở tỉnh Farah của Afghanistan. Ảnh: Academic.ru
Trực thăng Nga Mi-17 ở tỉnh Farah của Afghanistan. Ảnh: Academic.ru.

“Sẵn sàng bảo dưỡng hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự của các lực lượng vũ trang Afghanistan là một việc quan trọng”, ông Sergei Koshelev, Giám đốc Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Quốc phòng Nga, nói với các phóng viên cuối tuần trước.

Nga rất lo ngại rằng, “sự leo thang về tình hình ở Afghanistan sau khi NATO rút quân khỏi nước này vào năm 2014 có thể tác động tiêu cực tới cả Nga và các quốc gia châu Âu khác”, ông Koshelev nói. Các chuyên gia Nga khẳng định, nếu Nga trở lại Afghanistan thì hoạt động chỉ giới hạn ở lĩnh vực thương mại, không liên quan vai trò quân sự.

Mục tiêu kép

Nhiều nhà phân tích nói rằng, trước tiên, Nga có nhu cầu khách quan là bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị quân sự Liên Xô và sau này là Nga. Những thiết bị này chiếm tỷ trọng lớn trong số vũ khí, khí tài được các lực lượng an ninh Afghanistan sử dụng.

Thứ hai, Nga muốn thành lập các vị trí tiên phong ở Afghanistan vì lo ngại khả năng tái xuất hiện các nhóm phiến quân Hồi giáo vượt biên giới tới Tajikistan và Uzbekistan để gây rối, như từng xảy ra hồi thập niên 90 của thế kỷ trước.

Ngoài ra, trong giai đoạn NATO có mặt ở Afghanistan, việc sản xuất ma túy bùng nổ ở nước này và không ít ma túy theo các kênh tội phạm chuyển tới Liên Xô rồi sau này là Nga, góp phần gia tăng tham nhũng cũng như sức mạnh mafia ở một số khu vực. Nhiều người Nga nói họ lo ngại rằng, việc NATO rút khỏi Afghanistan có thể khiến Nga phải đối mặt những thách thức này một mình.

 Chính phủ Afghanistan đề xuất chúng tôi đầu tư nhiều thứ, bao gồm tham gia khảo sát địa chất, sản xuất dầu, phát triển tài nguyên nước… Máxcơva đang cân nhắc xây dựng tàu điện ngầm ở Kabul….

Anatoly Tsyganok,
Nhà phân tích thuộc Bộ Quốc phòng Nga

Theo các nhà quan sát, vài năm gần đây, Nga ngày càng tích cực hỗ trợ sứ mệnh của NATO ở Afghanistan, thậm chí cho phép sử dụng một căn cứ không quân quan trọng ở miền trung để giúp tiếp nhiên liệu. Các nhà lãnh đạo Nga liên tục thúc giục NATO không rời Afghanistan trong năm 2014 mà ở lại nước này cho đến khi “xong việc”.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia Nga nói rằng, hiện nay họ chấp nhận để Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014. “Hãy xem Iraq. Mỹ không còn quan tâm nữa, không ai quan tâm xem liệu Iraq có chìm sâu trong nội chiến hay không”, ông Vadim Kozyulin, một nhà nghiên cứu của Trung tâm PIR (một cơ quan tư vấn an ninh nổi tiếng của Nga), nói. Theo ông Kozyulin, tiến trình tương tự có thể diễn ra ở Afghanistan, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.

“Chúng tôi đã có vai trò dẫn đầu chính trị, quân sự ở Trung Á. Trước đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, chúng tôi sẽ không gửi chuyên viên Nga tới Afghanistan. Nhưng hiện nay, quân đội Nga nói rằng, chúng tôi có thể lập ra các doanh nghiệp trên lãnh thô Afghanistan để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị quân sự. Tình hình đang thay đổi”, nhà nghiên cứu Kozyulin nhận định.

Tướng Makhmut Garayev, Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự Nga, cựu cố vấn của chế độ Mohammad Najibullah ở Afghanistan, nói rằng, Nga cần có bước đi thận trọng khi trở lại nước này.

Vũ khí Nga được ưa chuộng

Mỹ đã mua khoảng 70 máy bay trực thăng Mi-17 của Nga (trên dưới 17 triệu USD/chiếc) để trang bị cho quân đội Afghanistan. Mỹ muốn mua thêm 30 trực thăng nữa, dù quyết định này gây tranh cãi kịch liệt ở Mỹ.

Thập kỷ qua, Mỹ bỏ ra hàng trăm triệu đô-la để mua thiết bị quân sự, trong đó có máy bay trực thăng, của tập đoàn Nga Rosoboronexport, để trang bị cho quân đội Afghanistan.

“NATO mua vũ khí Nga cho các lực lượng vũ trang Afghanistan, một phần vì họ rất quen thuộc với loại này, một phần có thể vì họ không muốn các loại vũ khí tinh vi của phương Tây cuối cùng lại lọt vào tay Taliban”, ông Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí đối ngoại Nga Russia in Global Affairs, nhận định.

Theo các nhà phân tích, một trong những chính sách then chốt của Tổng thống Putin là tập hợp các vùng đất Liên Xô trước đây vào một liên minh Âu-Á mới với động lực phát triển là kinh tế, chứ không phải chính trị.

Khi Nga thực hiện chính sách hướng đông, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á, tiếp giáp Afghanistan, có vai trò quan trọng mới, vì họ giàu có về tài nguyên nhưng bất ổn về chính trị.

Phương Anh
Theo Christian Science Monitor, Moscow Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.