> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Bỉ
> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công du một loạt nước châu Âu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được thăm lại Ý trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước, tin tưởng rằng chuyến thăm này sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác trên nhiều mặt giữa hai nước thời gian gần đây phát triển tốt đẹp.
Đặc biệt, hai bên đánh giá cao ý nghĩa việc hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ý nhân chuyến thăm này.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, thương mại, hợp tác đầu tư, tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, an ninh, quốc phòng, củng cố, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận song phương, nỗ lực thực hiện các chương trình hợp tác.
Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực Ý có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm quản lý, cơ khí chế tạo, y tế, môi trường, hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời tăng cường các chuyến thăm, nhất là chuyến thăm cấp cao.
Tổng thống Napolitano khẳng định, Ý mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, đóng góp nhiều hơn nữa để tăng cường hợp tác giữa ASEAN và EU.
Tổng thống Napolitano bày tỏ mong muốn với vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác ASEAN và EU.
Về tình hình khu vực, hai bên nhất trí cho rằng, các tranh chấp ở biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các bên nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông, vì hòa bình, ổn định, tự do và an toàn hàng hải tại khu vực.