> Học giả Trung Quốc phản đối 'Hộ chiếu Lưỡi bò
> 'Đường lưỡi bò' trên hộ chiếu bị chính dân Trung Quốc phản ứng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, nói Cục Xuất nhập cảnh và tất cả đại sứ quán, lãnh sự quán Philippines khắp thế giới đã được yêu cầu tuân thủ quy định mới.
Theo đó, họ không được đóng dấu lên hộ chiếu Trung Quốc, gồm cả hộ chiếu điện tử mới in bản đồ đường lưỡi bò và hộ chiếu cũ, để tránh lộn xộn, nhầm lẫn.
Ông Hernandez nói, việc áp dụng quy định mới nhằm tránh cho Philippines bị hiểu nhầm là nước này hợp pháp hóa bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Thay vì đóng vào hộ chiếu, dấu thị thực được đóng vào đơn xin visa, còn dấu nhập cảnh được đóng vào tài liệu riêng.
Ông Ricardo David Jr., Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Philippines, cho biết, người mang hộ chiếu Trung Quốc phải mang kèm theo đơn xin visa để được thị thực riêng rẽ.
Tất cả các loại dấu của Cục Xuất Nhập cảnh như nhập cảnh, xuất cảnh, gia hạn, hoán đổi… đều không được đóng lên hộ chiếu phổ thông Trung Quốc.
Thông qua động thái mới này, Philippines tăng cường phản đối tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đối với hầu hết biển Đông.
Philippines khẳng định, yêu sách đường lưỡi bò đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Bị nhiều nước phản đối yêu sách đường lưỡi bò và việc in bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong hộ chiếu điện tử, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng nói rằng, việc nước này nỗ lực trở thành cường quốc biển không liên quan việc theo đuổi bá quyền hoặc bành trướng sức mạnh hải quân.
Quân đội Trung Quốc chủ trương và thực hiện ý tưởng “đại dương hài hòa”, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các quy định khác về quan hệ quốc tế, ông Geng nói.
Thế nhưng, việc bất nhất trong lời nói - việc làm của phía Trung Quốc diễn ra thường xuyên, đặc biệt thời gian gần đây khi nước này có nhiều hành động gây hấn trên biển Đông.
Trung Quốc chưa giải thích kế hoạch phi pháp
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói phía Philippines đã đề nghị phía Trung Quốc có lời giải thích chính thức về kế hoạch mà tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua cuối tháng 11, theo đó, từ ngày 1-1-2013, lực lượng cảnh sát biển, biên phòng có quyền kiểm tra, khám xét, trục xuất, tịch thu… tàu thuyền nước ngoài có mặt trên biển Đông, kể cả khu vực tranh chấp.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp… Chúng tôi hy vọng rằng, thông tin (về kế hoạch của tỉnh Hải Nam) là không chính xác, vì đó là một nguy cơ lớn đối với cộng đồng quốc tế, đe dọa tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các vùng biển”, ông Rosario nói.
Ngoại trưởng Rosario cho biết Philippines vẫn đang trong quá trình xác định bước hành động tiếp theo, sau khi Tổng thống nước này, ông Benigno Aquino, nói rằng, Manila có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế để giải quyết.
“Chúng tôi đang nghiên cứu chỉ thị của Tổng thống. Tôi nghĩ, việc trước tiên là phải nghiên cứu sâu và kỹ”, ông Rosario nói.
Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, kế hoạch khống chế tàu thuyền nước ngoài là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
“Nếu báo chí đưa tin chính xác (về quy định mới của tỉnh Hải Nam), thì quy định đó đáng bị ASEAN, các đối tác quốc tế của chúng tôi và toàn bộ cộng đồng các quốc gia trên thế giới lên án”, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
Gia Tùng
Theo Philippine Star, Inquirer Global Nation
Tàu hải giám Trung Quốc lại tiến sát Senkaku/Điếu Ngư Trưa 7-12, bốn tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo. Đây là lần thứ 14 tàu của chính phủ Trung Quốc có mặt ở khu vực này, kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua ba hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai triệu Đại sứ Trung Quốc Cheng Yonghua tới Bộ Ngoại giao và bày tỏ phản đối hành động trên của Trung Quốc, yêu cầu bốn tàu hải giám lập tức rời lãnh hải Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản vừa nâng cấp văn phòng thông tin liên lạc của Trung tâm Quản lý Khủng hoảng để xử lý vấn đề này. Đầu tháng 12, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật, theo đó Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ được áp dụng với Senkaku/Điếu Ngư. Mỹ công nhận quyền quản lý hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo này. Thái An |