> Trung Quốc kêu gọi có hành động về nợ công của châu Âu
Đây là chuyến công du thứ hai của bà Merkel đến Trung Quốc chỉ trong vòng một năm qua.
Trong chuyến đi này, bà Merkel hy vọng kéo được Trung Quốc vào cuộc sau khi các cuộc điều tra cho thấy khủng hoảng đã vượt ra ngoài phạm vi châu Âu và Trung Quốc cũng là một trong những nền kinh tế đang gánh hậu quả.
Theo các báo cáo mới nhất, sản lượng, các đơn đặt hàng và hợp đồng xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế.
Như vậy, việc Trung Quốc cứu eurozone cũng là tự cứu mình. Ngoài ra, quyết tâm của Đức ủng hộ Hy Lạp ở lại eurozone và những cam kết của Berlin sẽ tiếp tục đi đầu trong nỗ lực bình ổn tài chính khu vực cũng đã giúp cho cổ phiếu của các quốc gia khủng hoảng có phần khởi sắc, hứa hẹn triển vọng đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Nỗ lực của Thủ tướng Đức đã gặt hái thành quả bước đầu khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo bất ngờ đề cập đến khả năng mua trái phiếu châu Âu.
Mặc dù đây chưa hẳn là một cam kết chắn chắn song có thể nói là một dấu hiệu tích cực từ Bắc Kinh vì trong ba năm khủng hoảng của châu Âu vừa qua, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường né tránh đề cập đến vấn đề này.
Gánh vác trên vai trọng trách của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, bà Merkel hy vọng việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ là một giải pháp hiệu quả để giúp Berlin cắt bỏ được khối u nợ công đang tàn phá kinh tế khu vực.
Đổi lại, việc Bắc Kinh ủng hộ Đức sẽ giúp Trung Quốc không chỉ khẳng định được vai trò của một nền kinh tế lớn trên thế giới, mà có thể còn tạo điều kiện cho nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đây chính là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Chuyến thăm Trung Quốc của bà Merkel một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Đức trong nền kinh tế khu vực, điều này không chỉ làm tăng uy tín của Thủ tướng Đức ở châu Âu mà còn tạo nền tảng thuận lợi cho bà Merkel trong kỳ bầu cử quốc hội trong năm 2013.