"Thời khắc nguy hiểm" với châu Âu và đạo Hồi

"Thời khắc nguy hiểm" với châu Âu và đạo Hồi
Trong lúc biểu tình phản đối các biếm họa đấng tiên tri đang sôi sục ở Trung Đông, người Ảrập ở Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã trả đũa bằng cách đưa lên website của họ hình ảnh Hitler nằm chung giường với Anne Frank.
"Thời khắc nguy hiểm" với châu Âu và đạo Hồi ảnh 1
Người Hồi giáo đốt cờ Mỹ ở bờ Tây Bethlehem. (IHT)

"Viết cả điều này vào nhật ký của cô nữa nhé, Anne", bức biếm họa kèm thêm lời của trùm phát xít.

Mục đích của biếm họa này, theo Liên đoàn người Ảrập ở châu Âu, là "để thể hiện quyền tự do nghệ thuật", giống như điều mà tờ báo Đan Mạch đã làm khi quyết định cho đăng các biếm họa về nhà tiên tri của người Hồi giáo. "Châu Âu cũng có những điều cấm kỵ, cho dù đó không phải là những điều thần thánh thuộc về tôn giáo", Dyab Abou Jahjah, người sáng lập tổ chức chuyên đòi quyền lợi cho những người nhập cư nói trên, nói.

Sự đối đầu trên khiến nhiều người lo ngại rằng những bất đồng xung quanh vụ biếm họa có thể đẩy đôi bên vượt qua ngưỡng, đến mức khiến mỗi bên nhìn nhau bằng con mắt ngờ vực và không thể hiểu nhau.

"Tình thế khiến tôi cảm thấy đang ở trong một khoảnh khắc quan trọng", Timothy Garton Ash, giáo sư sử học châu Âu của đại học Oxford nói. "Đây là thời khắc nguy hiểm đối với châu Âu và đạo Hồi. Một thời khắc vô cùng nguy hiểm... có thể dẫn đến vòng xoáy bi kịch về hiểu nhầm, mà lại không chỉ giữa những thành phần cực đoan".

Khi những cuộc biểu tình đầy bạo lực phản đối các bức biếm họa và các vụ tấn công vào sứ quán Đan Mạch bùng lên ở Trung Đông, Afghnistan, Pakistan và những nơi khác, một số người Âu nhận ra rằng cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở châu Âu - chiếm 3% ở Anh, 4% ở Đan Mạch và khoảng 5% tính trên toàn liên minh, tức khoảng 20 triệu người - đang giấu trong mình một sức mạnh ghê gớm trên toàn thế giới Hồi giáo.

"Vấn đề không chỉ giới hạn trong một nhóm người nhập cư", Jürgen Gottschlich, một ký giả Đức ở Istanbul, nhận xét. "Không chỉ có những anh hùng tự do báo chí ở Đan Mạch, mà khắp nơi từ bán đảo Ảrập và Bắc Phi tới Indonesia, đâu đâu cũng có những người sẵn sàng vượt các các trở ngại để bảo vệ danh giá của nhà tiên tri của họ".

Ibrahim Magdy, một người Ai Cập 39 tuổi đang kinh doanh ở Rome, nói rằng: "Vấn đề là người ta không chỉ nói đến người Ai Cập hay Syria, mà nói đến cả thế giới Hồi giáo".

Với một số người châu Âu, các bức biếm họa đó là nguyên nhân làm dấy lên cuộc tranh cãi về tự do ngôn luận và cái gọi là tiêu chuẩn kép đối với người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo ở châu Âu. Với một số người khác, các cuộc biểu tình phản đối biếm họa là động lực làm mạnh thêm tiếng nói của những thành phần cực đoan, và khiến những tiếng nói ôn hòa mất dần chỗ đứng. "Hồi giáo ôn hòa một lần nữa bị làm cho tắt tiếng", Tabish Khair, giáo sư Anh văn trường đại học Aarhus của Đan Mạch nói.

Hàng thập kỷ nay, các quốc gia châu Âu là nơi tiếp nhận dòng người di cư vì lý do kinh tế và chính trị. Một phần lớn của dòng người này đến từ những nơi mà Hồi giáo là tôn giáo chủ đạo. Nhiều người nhập cư Hồi giáo vẫn cho rằng họ chưa bao giờ được thực sự chào đón.

Vì thế mà trong số những người Hồi giáo có một thành kiến cho rằng họ bị đối xử như công dân hạng hai và bị coi là đối tượng khủng bố tiềm năng trên những miền đất mà tôn giáo của họ không được trọng vọng.

"Nếu bạn có mái tóc đen, bạn sẽ khó tìm việc làm", một thanh niên tên là Muhammad Elzjahim 22 tuổi người Palestine đến Đan Mạch từ năm lên 2, nói.

Sự hiểu lầm và thành kiến khiến nhiều người trở nên cực đoan và không muốn chấp nhận hệ thống xã hội của nơi mà họ đang cư trú.

"Những người cực đoan không muốn thỏa hiệp, họ không muốn một chiếc bàn tròn", Rainer Mion 44 tuổi, làm nghề đại lý bảo hiểm ở Berlin, nói. "Cái họ muốn là truyền bá tín ngưỡng Hồi giáo đi khắp thế giới".

Giulio Cordese, một thương gia gốc Italy ở Berlin, nói thêm: "Chúng ta cần làm rõ điều này. Cá nhân tôi muốn trục xuất tất cả những người Hồi giáo ở các nước có liên quan. Bởi vì sao, vì họ không chấp nhận các nguyên tắc dân chủ ở đây".

Nhưng vấn đề đặt ra là: nguyên tắc nào để áp dụng cho người nào.

Hôm thứ ba tại London, giáo sĩ gốc Ai Cập Abu Hamza al-Masri bị tuyên án 7 năm tù vì tội kích động giết chóc khi phát biểu trước công chúng. Vài ngày trước đó, một người tên là Nick Griffin, đứng đầu phong trào cực hữu và chống người nhập cư, đã được tuyên trắng án đối với lời buộc tội ông này kích động bạo lực và thù hằn do đã bôi bác đạo Hồi là "tín ngưỡng xấu xa ma quỷ".

Sự khác biệt này làm dấy lên những lời tố cáo rằng hệ thống pháp lý Anh - cũng như cả xã hội - có sự phân biệt chống người Hồi giáo. "Dường như có những chuẩn mực khác nhau áp dụng cho các cộng đồng chủng tộc khác nhau", Massoud Shadjareh, chủ tịch Ủy ban nhân quyền cho người Hồi giáo ở London nhận xét.

Flemming Rose, biên tập viên văn hóa của Jyllands-Posten, khẳng định rằng việc đăng các biếm họa chỉ nhằm khẳng định quyền tự do ngôn luận đối với các vấn đề cấm kỵ tôn giáo.

"Khi người Hồi giáo nói rằng anh không tỏ ra tôn trọng, tôi sẽ nói: anh không yêu cầu tôi tôn trọng, mà anh chỉ muốn tôi tuân phục", Rose nói.

Quan điểm này cũng giống với bài xã luận trên tờ NRC Handelsblad của Đan Mạch, trong đó viết: "Tại Mỹ, nhiều người đang sợ rằng họ sẽ phải sống theo các quy ước của đạo Hồi. Còn ở các nước châu Âu, nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn hơn, người ta đang lo sợ rằng đằng sau yêu cầu tôn trọng ẩn giấu một đám mây khác: nguy cơ tất cả mọi người phải tuân thủ các quy định của đạo Hồi".

Một số người lo ngại rằng các giá trị và quan niệm tự do của châu Âu đang đứng trước một nguy cơ nhãn tiền.

Năm 2000, sức ép từ cộng đồng Hồi giáo được cho là nguyên nhân khiến Hà Lan và Bỉ hủy kế hoạch hòa nhạc về Aisha, người vợ trẻ nhất của nhà tiên tri Mohammed. Năm 2005, một họa sĩ người Hà Lan gốc Marốc phải trốn tránh vì sự an toàn của bản thân, sau khi nhận được những lời đe dọa giết vì anh này có liên quan đến một triển lãm tranh vẽ giáo sĩ nhổ ra bom. Năm 2004, nhà làm phim Theo van Gogh bị giết. Thủ phạm cho rằng Theo đã báng bổ đạo Hồi trong một bộ phim do ông làm.

Còn tại Anh, một số nhà phân tích cho rằng chính phủ của thủ tướng Tony Blair đang thực hiện biện pháp tự kiểm duyệt khi đề cập tới các vấn đề liên quan đến Hồi giáo cực đoan, nhằm tránh những cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.

"Đạo Hồi được bảo vệ bởi một luật vô hình", Jasper Gerard, nhà bình luận của The Sunday Times of London nhận xét. "Tên của nó là sợ hãi".

Tại Đức, ký ức về thời phát xít khiến người ta thận trọng.

"Chúng tôi phải giảm căng thẳng", Ayyub Axel Koehler, một người cải sang đạo Hồi và đang làm chủ tịch Hội đồng Hồi giáo trung ương Đức, nói. "Điều này dễ thực hiện ở Đức hơn ở các nước khác. Kinh nghiệm về vấn đề này đã có ở Đức, vì thế mà chúng tôi thấu hiểu những mối nguy hiểm mà nó có thể mang đến".

Theo T. Huyền
Vnexpress/IHT

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.