THẾ GIỚI 24H: Nga bắt đầu trang bị hệ thống phòng thủ S-500 mới cho quân đội

0:00 / 0:00
0:00
THẾ GIỚI 24H: Nga bắt đầu trang bị hệ thống phòng thủ S-500 mới cho quân đội
TPO - Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov ngày 16/9 cho biết nước này đã hoàn tất thử nghiệm hệ thống tên lửa đất đối không S-500 mới và bắt đầu trang bị vũ khí này cho các lực lượng vũ trang.

Nga đã bắt đầu thử nghiệm vũ khí này hồi năm ngoái và quân đội Nga tuyên bố lô đầu tiên sẽ được triển khai quanh thành phố Moskva.Kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 cho quân đội Nga đã bị chậm lại. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo việc trang bị S-500 cho quân đội bắt đầu vào năm 2020.S-500, một vũ khí mà Moskva hy vọng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của nước này cũng như trở thành một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng, đã được miêu tả là một hệ thống phòng thủ không gian vũ trụ và có thể ngăn chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa, các tên lửa hành trình siêu thanh và máy bay.


Mỹ, Anh và Úc vừa tuyên bố thành lập một liên minh an ninh mang tính lịch sử để tăng cường khả năng quân sự ở Thái Bình Dương, cho phép các bên chia sẻ công nghệ quốc phòng để giúp Úc sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân. Liên minh ra đời khi cả ba nước cùng chia sẻ quan ngại về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Trong lễ thông báo trực tuyến của ba nguyên thủ từ thủ đô mỗi quốc gia ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh rằng Úc sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ sử dụng hệ thống động cơ đẩy bằng năng lượng hạt nhân cho các tàu, nhằm đối phó với những mối đe dọa trong tương lai, Reuters đưa tin.(XEM CHI TIẾT...)


Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 16/9 tuyên bố các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Úc sẽ không được phép đi vào lãnh hải nước này. Reuters dẫn lời bà Ardern nói tại một cuộc họp báo ngày 16-9: "Tôi đã thảo luận về thoả thuận với Thủ tướng Úc Scott Morrison tối qua... Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ không được phép ở lãnh hải New Zealand theo chính sách khu vực phi hạt nhân năm 1984. Chắc chắn chúng sẽ không được cấp phép đi vào lãnh hải của chúng tôi".


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 16/9 cho biết quân đội nước này đã tiêu diệt Adnan Abou Walid al-Sahrawi, một thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), ở sa mạc Sahara. “Đây là một thành tựu lớn trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố ở Sahel”, ông Macron thông báo trên Twitter. Sahrawi là chiến binh thánh chiến bị Pháp truy nã gắt gao nhất ở khu vực Sahel. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 16/9, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed đã đình chỉ quyền điều hành của Thủ tướng nước này, ông Mohammed Hussein Roble, động thái được cho sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Sừng châu Phi này. Trong một thông báo, Tổng thống Mohamed nêu rõ Thủ tướng Hussein Roble đã vi phạm Hiến pháp vì vậy quyền điều hành của ông này bị thu hồi, trong đó gồm quyền sa thải và bổ nhiệm các quan chức. Tổng thống Mohamed nêu rõ quyết định trên sẽ có hiệu lực cho đến khi cuộc tổng tuyển cử kết thúc vào cuối năm nay. Hiện vẫn chưa có phản ứng từ phía ông Roble.


Trung Quốc đã từ chối cho một chiến hạm Đức cập cảng. Berlin xác nhận thông tin và cho biết Bắc Kinh đã từ chối sau một thời gian cân nhắc. Kênh DW (Đức) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr ngày 15/9 thông báo: “Sau một thời gian cân nhắc, Trung Quốc quyết định không muốn tàu khu trục Bayern của chúng ta ghé thăm cảng và chúng tôi đã ghi nhận điều đó”. Chiến hạm Bayern đã rời cảng ở Wilhelmshaven vào ngày 2/8 để thực hiện hải trình kéo dài 6 tháng đến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong quãng thời gian này, Bayern dự kiến di chuyển qua Biển Đông.


Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA) đang nghiên cứu phương án sử dụng robot tuần tra đường phố khi soạn thảo chiến lược trật tự trị an trong tương lai để đối phó tốt hơn với các loại hình tội phạm mới. NPA ngày 16/9 cho biết đã thành lập lực lượng đặc trách xây dựng chiến lược an ninh công cộng trong trung và dài hạn phòng chống các loại hình tội phạm mới dựa trên công nghệ hiện đại. Lực lượng này sẽ xem xét các cách sử dụng công nghệ để truy quét và ngăn chặn các loại hình tội phạm mới, bao gồm cả việc ứng dụng robot để tăng cường tuần tra đường phố.


Ngày 16/9, Chính phủ Pháp cho biết khoảng 3.000 nhân viên tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão và trung tâm y tế buộc phải thôi việc do những người này không tuân thủ quy định tiêm vaccine phòng COVID-19. Quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với nhân viên tại các cơ sở y tế ở Pháp đã có hiệu lực từ ngày 15/9. Theo nhật báo địa phương Nice Matin, gần 450 trong tổng số 7.500 nhân viên y tế tại một bệnh viện tại thành phố Nice đã bị nghỉ việc. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định quy định này sẽ không gây xáo trộn trong ngành y tế với 27 triệu lao động. Ông nhấn mạnh hầu hết những nhân viên bị buộc thôi việc chỉ đảm nhận vị trí phụ trợ trong lĩnh vực y tế và hơn nữa, việc cho nghỉ việc chỉ là tạm thời. Nhiều nhân viên y tế sau đó đã tiêm vaccine.


Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag đã từ chức ngày 16/9 sau khi bị Quốc hội nước này chính thức phê phán về cách xử lý của bà đối với cuộc khủng hoảng sơ tán người khỏi Afghanistan. Các nhà lập pháp Hà Lan đã thông qua một bản kiến nghị chỉ trích chính phủ về việc đã không sơ tán một số người Afghanistan, cũng như bỏ qua những dấu hiệu hiển hiện về sự tái chiếm quyền kiểm soát của lực lượng Taliban tại quốc gia Tây Nam Á này. Trong một tuyên bố tại Quốc hội Hà Lan sau cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ với tỷ lệ 78/72 phê phán Ngoại trưởng, bà Kaag nói: "Quốc hội cho rằng chính phủ đã hành động thiếu trách nhiệm" và bà chỉ có thể chấp nhận sự phê phán đó bằng cách đệ đơn từ chức lên Nhà vua Hà Lan.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.