Thay đổi tư duy đường sắt để tạo ra sự lan tỏa

TP - “Trong rất nhiều cuộc phản biện có những người còn cho rằng nếu thị phần nhỏ thì nên “dẹp” luôn. Nhưng chúng tôi cho rằng, ngay cả các nước phát triển trên thế giới vẫn phải phát triển vận tải đường sắt song song với phát triển đường bộ và hàng không”, GS. Bùi Xuân Phong nhìn nhận.

Ngày 20/5, tại buổi tọa đàm “Vai trò của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng: Giao thông vận tải đường sắt không chỉ là “xương sống” trong hệ thống vận tải tham gia vào quá trình sản xuất, tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng đường sắt đã rất xuống cấp và lạc hậu.

Theo TS. Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, so với đường sắt của các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì đường sắt của Việt Nam quá bị tụt hậu. Được đầu tư cách đây hơn 100 năm, đến nay đường sắt của chúng ta không những không được phát triển thêm mà còn bị gỡ đi nhiều. Nhìn qua các nước châu Á như Nhật Bản, vận chuyển khách hàng của họ chiếm khoảng 80% lượng hành khách. Hay như Trung Quốc, sau một thời gian dài không phát triển thì 10 năm gần đây đường sắt Trung Quốc đã phát triển rất ấn tượng, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với 140.000 km đường sắt.

Trong khi đó, đường sắt Việt Nam chỉ có 3 khổ, đường 1 mét là chủ yếu, nên chỉ có một đường. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đường sắt vận chuyển chuyên chở chiếm 29,2% tổng vận chuyển hành khách, nhưng đến năm 2014 chỉ còn 0,39%.

“Như thế chúng ta có thể nhìn thấy sự tụt hậu của đường sắt như thế nào. Việc tụt hậu này làm cho chi phí xã hội thấp xuống. Một đất nước hẹp và đông dân như thế này mà vận tải đường sắt không phát triển thì sẽ tăng áp lực lên đường bộ, dẫn đến việc duy tu đường bộ hết sức tốn kém, tất cả vận chuyển quá tải đường bộ đều phải chịu”, ông Tịnh cho hay.

Là ĐBQH trong nhiều khóa, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cái không thành công nhất của ông đến thời điểm này là không thuyết phục được QH thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam, bởi chúng ta không nhìn nhận đường sắt là một tổng thể mà chỉ nhìn nhận đường sắt cao tốc Bắc - Nam như là dự án 60 tỷ đô. Theo ông Kiên, giờ tuy hơi muộn nhưng chúng ta đã có những nhận thức đúng về vai trò của giao thông đường sắt trong Luật Đường sắt sửa đổi. Dù đã có những đổi mới, nhưng sự phát triển của ngành đường sắt vẫn còn phụ thuộc vào tổng vốn đầu tư.

GS.TSKH Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân cơ bản là nhận thức về vai trò, tính ưu việt của vận tải đường sắt chưa thỏa đáng. “Chính những nhận thức đơn thuần về mặt thị phần, đặc biệt, trong rất nhiều cuộc phản biện có những người còn cho rằng nếu thị phần nhỏ thì nên “dẹp” luôn. Nhưng chúng tôi cho rằng, ngay cả các nước phát triển trên thế giới vẫn phải phát triển vận tải đường sắt song song với phát triển đường bộ và hàng không”, ông Phong nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh, cái khó khăn nhất vẫn là sự thay đổi về mặt tư duy. “Nếu chúng ta xác định rằng, ngành đường sắt làm để thu hồi vốn và lợi ích nó mang đến thì chúng ta không thể làm được. Thay đổi tư duy đường sắt sẽ mang lại sự lan tỏa kinh tế của xã hội, sẽ làm cho chi phí logistic giảm xuống, tạo thuận lợi đi lại với người dân. Giá trị đầu tư là ở đó, chứ không phải giá trị của tổng công ty đường sắt, hay bất kỳ một tổng công ty nào tham gia vào phát triển đường sắt”, ông Minh nêu quan điểm.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Kiên, việc đầu tư không chỉ ở trong 1 - 2 nhiệm kỳ mà cái khó ở đây là chúng ta quyết định hôm nay nhưng thụ hưởng 15 – 20 năm, thậm chí 50 năm về sau. “Thời gian gần đây, công luận đã đánh giá sự cần thiết và quan trọng của ngành đường sắt và đã có sự thay đổi tư duy và vốn trung hạn lần này cũng là sự ưu ái. Tôi cho rằng đây là điểm khởi đầu. Nhưng cuối cùng, ngành đường sắt phải chứng minh mình làm được cái gì, chứ không chỉ bằng lòng với cái mình đã có”, ông Kiên nói.

Các ĐBQH kỳ vọng, Luật Đường sắt sửa đổi tới đây được thông qua sẽ là hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng, góp phần xử lý hài hòa lợi ích địa phương, doanh nghiệp, lợi ích của người dân cũng như lợi ích của sự phát triển kinh tế, xã hội.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.