Xây dựng và chỉnh đốn Ðảng – gốc có vững cây mới bền, Bài 1:

'Thắp lửa', 'nhóm lò', việc cấp bách cần làm ngay

0:00 / 0:00
0:00
Những phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: T.H
Những phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Ảnh: T.H
TP - Không phải ngẫu nhiên, từ Đại hội XI, XII, XIII, Ban Chấp hành Trung ương đều chọn Hội nghị lần thứ tư để bàn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Việc này nhằm đảm bảo sự kế thừa, phát triển mới, từ đó tạo sự thống nhất cao về ý chí, hành động, tránh sự dĩ hòa vi quý, nhụt chí khiến cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng “chùng xuống”.

10 năm trước, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí…, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã thống nhất ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” để “thắp lửa”, ngăn ngừa những mối nguy từ “giặc nội xâm”.

Trận chiến gian nan

Là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa VIII, IX, X, XI, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kể, giai đoạn 2008- 2010, tình trạng tham nhũng, tiêu cực diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đáng lưu ý, các vụ việc có dấu tiêu cực, tham nhũng không còn nhỏ lẻ, mà có tính chất “kết bè”, “kết cánh”, “lợi ích nhóm”. Các vụ việc xảy ra để lại hậu quả rất nặng nề về kinh tế, xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước như: Vinashin, Vinalines…

“Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm “chậm” sự phát triển đất nước, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”.

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020, ngày 12/12/2020

'Thắp lửa', 'nhóm lò', việc cấp bách cần làm ngay ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thực trạng này, đòi hỏi những đảng viên, nhất là các Ủy viên Trung ương phải có dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Nếu các đảng viên, nhất là đảng viên cấp cao mà bỏ qua mối nguy cơ, không dám nhìn thẳng vào sự thật tức là đã đánh mất đi ý chí chiến đấu, mất đi vị trí lãnh đạo. Vì thế, việc “thắp lửa” lại công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XI (cuối năm 2011) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên xác lập lại lập trường của mình trong việc ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; xác lập cán cân tích cực, tiêu cực trong bản thân mỗi con người.

Từ thực tiễn công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trước đây, nhất là quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 (năm 1999) đến việc xây dựng Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, ông Vũ Trọng Kim cho biết, đâu đó cũng có lo ngại, tâm tư lúc đầu rằng “chuyện cũ nói lại, nói mãi, không còn mới”. “Những suy nghĩ đó là không đúng. Thử hỏi, nếu Đảng cứ lơ là, để suy thoái, tham nhũng, tiêu cực lấn át, trượt dài thì đất nước sẽ đi về đâu, vai trò lãnh đạo của Đảng ở đâu”, ông Kim bày tỏ. Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thử thách khi đó rất lớn. Từng người trong Đảng phải xác nhận lập trường, nếu còn tinh thần chiến đấu thì những nhân tố tích cực sẽ tăng lên như, “cây có khỏe thì rừng mới tốt”. Ngược lại không còn tinh thần chiến đấu, thì có thể sẽ trượt dài trước những cám dỗ về vật chất.

Dựng “tường lửa” ngăn vi phạm lây lan

Là thành viên Tổ giúp việc của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư kể, sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng từ trên xuống dưới, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau hai tháng chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư và các đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu kiểm điểm để toàn Đảng học tập, noi theo.

Theo ông Vũ Trọng Kim, các đợt kiểm điểm đã tạo ra tinh thần mới, với sức chiến đấu mới, tăng thêm những nhân tố tích cực, đào thải những nhân tố tiêu cực. Từ Trung ương tinh thần đó đã lan tỏa ra trong toàn Đảng và trong hệ thống nhà nước, tới quần chúng nhân dân. “Khi tiếp xúc với nhân dân để xây dựng đề án giám sát và phản biện, phục vụ cho việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi thấy, ai cũng ủng hộ công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhân dân bày tỏ mong muốn được tham gia, đóng góp vào công tác này. Chính sự ủng hộ trên giúp cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được vững chãi, không ai có thể đảo ngược được xu thế”, ông Kim kể.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương kể: Thời điểm Trung ương ban hành Nghị quyết T.Ư 4, ông đang giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, sau đó được luân chuyển về làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên. Từ thực tiễn công tác, ông Phúc cho biết, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI không chỉ nhen đốm lửa mà còn thổi bùng lên “ngọn lửa” đấu tranh trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vốn bị chững lại trong thời gian dài. Từ Trung ương đến cơ sở, nhất là cán bộ, đảng viên rất ủng hộ.

Cuối nhiệm kỳ khóa XI, khi nhìn lại công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng đã có không ít những băn khoăn rằng, “chưa thấy Đảng điểm mặt, chỉ tên một bộ phận không nhỏ ở đâu”, song theo ông Vũ Trọng Kim, điều quan trọng nhất là qua thực hiện đã “thắp lửa” đấu tranh, phê bình và tự phê bình. Từ đó, tinh thần và trách nhiệm xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong mỗi cán bộ đảng viên lớn dần lên. “Khi “cán cân” tích cực đã lớn rồi thì “lợi ích nhóm”, tiêu cực, suy thoái, tham nhũng không thể vượt qua được “bức tường lửa”, “tinh thần thép”, ông Kim bày tỏ quan điểm.

Ngày 16/1/2012, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay. Một tháng sau, vào ngày 27/2/2012, trong phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn cho biết, dư luận cũng đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo rằng liệu nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả không hay lại rơi vào tình trạng “không đạt yêu cầu” như nhiều lần trước. “Tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của tất cả chúng ta”, Tổng Bí thư nói.

Đặc biệt, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Hội nghị Trung ương 5 khoá XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Tháng 2/2013, Bộ Chính trị khoá XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020, diễn ra vào cuối năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.