Tết muộn ở xóm tiều phu

Tết muộn ở xóm tiều phu
TP - Hàng chục tiều phu xóm nhỏ khu vực ga Kim Liên (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tất bật nhảy tàu, lủi thủi vào rừng đốn củi mưu sinh. Với họ, thật khó để có cái Tết rôm rả, đúng nghĩa.

> 'Phi đội' tiều phu nhảy tàu mưu sinh
> Phi đội nhảy tàu

Nhảy tàu, đốn củi

Nhoáng cái, Nguyễn Văn Thịnh (29 tuổi, P.Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu) đã mất hút dưới con đường mòn tối sáng dưới hàng cây rậm rạp.

7 giờ sáng, lá rừng ẩm thấp hơi sương, vài tia nắng yếu ớt lọt qua kẽ hở khiến toàn bộ khu rừng phía chân đỉnh Hải Vân phảng phất màn khói sương hư ảo.

“Nhìn thế nhưng phân chia thành các “lãnh địa” đó, mỗi người phụ trách mảng rừng. Xem chừng đơn giản nhưng chúng tôi thuộc từng loài cây, ngõ ngách. Nguyên tắc bất di dịch là chỉ được chặt, nhặt cành khô nên mình phải để ý, chỗ nào cây đang chết, cành héo úa thì đánh dấu để hôm sau đến lượm”, Thịnh lý giải.

Trẻ tuổi nhất trong cánh tiều phu xóm nhỏ gần ga Kim Liên, nhưng Thịnh có hơn chục năm làm nghề. Từng đi “bạn” phụ ghe tàu biển, Thịnh bỏ lên bờ làm đủ nghề xe ôm phía chân đèo Hải Vân, thợ phu hồ rồi trở lại với nghề “gia truyền” - phu củi.

Thịnh - một tiều phu trẻ rảo bước về phía khe nối toa tàu để nhảy xuống đất vào rừng đốn củi
Thịnh - một tiều phu trẻ rảo bước về phía khe nối toa tàu để nhảy xuống đất vào rừng đốn củi.

Ngày ngày Thịnh dậy 4 giờ sáng, khăn gói ra ga Kim Liên. Nhà cách ga gần cây số, cậu chạy bộ đến khu vực chờ của sân ga. Gần 5 giờ, những đám người tụm năm tụm bảy đông đúc. Tiếng còi tàu hú vang. Mỗi người tìm một “đường băng” thoải mái rồi nhớm người, nhảy, đu lên tàu. Chỉ tích tắc, khu vực trên mui, khe nối giữa các toa con tàu hàng đã lổm nhổm người đu bám.

Phận tiều phu

Lão Khánh 60 tuổi, là một trong những tiều phu già nhất còn sót lại của “làng nghề”. Gần 50 năm theo nghiệp đốn củi mưu sinh, lão nếm trải đủ vị chua chát, thăng trầm của nghề. “Toàn người thất nghiệp phải bám víu lấy rừng mà sống. Nghề nó bạc, khô khốc, đen đủi như cành củi vậy”, lão nói.

Tàu vừa qua đoạn hầm thứ hai, bắt đầu lên dốc giảm ga đến ga phụ Hải Vân Bắc, hàng chục tiều phu phóng mình xuống khu đất trống bên đường. Những câu chào hỏi vội vã, họ lao mình vào rừng.

Lão Khánh nói: Rừng càng ngày càng vơi củi, phải đi bộ đến vài ba chục cây mới có củi tốt. Khác với Thịnh, lão Khánh cẩn thận gói theo chai dầu tràm xứ Huế xoa bóp những khi chân tay nhức mỏi.

Cùng đi, tiều phu Nguyễn Minh (52 tuổi), chỉ dẫn: Nghề không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải dai sức, tai mắt. Đi cho rã chân, nhặt từng cành củi, đến lúc gùi về có người ngất dọc đường, mệt lả.

Căn nhà lão Đinh Văn Mãi (77 tuổi), cuối xóm chẳng lấy gì khấm khá dù cả đời theo nghiệp quang thân vào rừng đốn củi. Nhà 11 miệng ăn, lão Mãi bị cụt chân do tai nạn bom mìn vẫn gắng gượng mưu sinh với nghề tròn 30 năm. “Tôi mới bỏ chưa được năm nay. Cực quá chịu không nổi. Tội mấy đứa nhỏ, nhiều đứa phải thất học vì thiếu tiền”, ông Mãi nói. Không khí ngày Tết với ông có chăng chỉ là nồi bánh chưng, bánh tét đạm bạc, cả nhà quây quần gầy bằng bó củi do những “đồng nghiệp” san sẻ.

Theo ông Trần Phước Huấn- Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, còn vài chục hộ nhảy tàu mưu sinh, bán hàng rong, đốn củi. Địa phương vận động, tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi việc làm nhưng cái khó phần lớn họ đều khá lớn tuổi.

Theo ông Minh, chỉ cần sau trận mưa, những khu rừng sâu còn vẻ nguyên sinh này xuất hiện đủ loại vắt, côn trùng nguy hại. Sợ nhất là gặp mưa rừng bất chợt. Không lấy được củi, anh em còn dễ bị vắt bu, hút máu. Chục năm trước, ông Minh bị rắn độc cắn, may mới đoạn bìa rừng nên chuyển xuống bệnh viện cấp cứu kịp.

Ông Nguyễn Văn Em (53 tuổi), một trong những tiều phu kỳ cựu của “làng nghề” lên tiếng: Đốn củi ngày thêm khó. Phải đi xa, mà củi nhiều khi không chất lượng. Người dân giờ chuộng củi khô chắc, dùng lâu. Bình thường mỗi người phải ròng rã đi vài chục cây số mới kiếm được hai bó củi.

“Cái nghề thủ công, dùng sức người là chính này kể cực khó hết. Nhưng chúng tôi cũng có cái hay là góp phần giữ rừng khỏi hỏa hoạn. Củi khô phần lớn được nhặt cả nên rừng an toàn hơn”, ông Em cười nói.

Phút nghỉ trưa chóng vánh, cánh tiều phu bày gói cơm nắm, miếng cá khô, kho vừng... lót dạ. Những tốp dăm ba tiều phu giúp nhau phân loại củi, bó chặt rồi thay phiên nhau đẩy lên vai “đồng nghiệp”. Ai nấy quật vai hai bó củi rồi thoăn thoắt trên con đường mòn hướng về phía đường ray, chờ nhảy tàu.

Giờ giấc tiều phu chẳng cố định, có khi gặp củi về sớm, khi muộn cũng không được quá 17 giờ vì sẽ hết tàu. Vẫn “kỹ nghệ” nhảy tàu điêu luyện, họ quăng bó củi, nhớn người rồi đánh đu theo chiều tàu chầm chậm lăn bánh.

Xẩm tối, xóm tiều phu hiu hắt, khác hẳn không khí ồn ào sôi động chốn thị thành đang nhộn nhịp vào Tết.

“Hai bó củi giỏi lắm bán được 30-40.000 đồng, mà mấy ai mua. Giờ họ dùng gas nhiều, chỉ vài quán xá này nọ. Người mua ít nên họ ép giá. Lâu nay cánh chúng tôi làm đủ ăn là may rồi, ông Khánh phân trần. Xóm tiều phu vài ba chục nóc nhà nằm rải rác trong khu dân cư cạnh đường tàu. Người lắm vốn theo nghiệp nhảy tàu bán hàng rong, còn lại nhảy tàu vào rừng đốn củi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG