Tài sản quan, dân

Tài sản quan, dân
TP - Giữa lúc nghị trường Quốc hội còn đang tranh cãi, chưa thể thống nhất phương án xử lý “tài sản không rõ nguồn gốc” của quan chức để sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, thì một khối tài sản lớn của ông chủ tiệm vàng ở thành phố Cần Thơ bị chính quyền ập vào nhà soát xét, tịch thu. Với lý do “không rõ nguồn gốc, xuất xứ”! 

Chuyện là khi một anh thợ điện tên là Cà Rê ghé vào tiệm bán 100 đô được người ta cho để tiêu vặt, lập tức bị lực lượng chức năng ập đến “bắt quả tang”. Lực lượng này cũng lập tức lục lọi khám xét nhà ông chủ tiệm với lệnh khám xét được ký trước đó…6 ngày! Kết quả anh Cà Rê bị thu mất tờ 100 đô và chịu phạt 90 triệu đồng. Còn chủ tiệm vàng ngoài việc bị phạt gần 300 triệu vì mua bán ngoại tệ trái phép, còn bị thu luôn 20 viên kim cương cùng gần 20 ngàn hột đá nhân tạo trị giá hơn nửa tỷ đồng. Trong khi khối tài sản trên đang cất trong tủ riêng của gia đình, chứ không trưng bày hay mua bán!

Chưa hết, Cần Thơ “ngâm” vụ việc trên tới gần 8 tháng rồi mới ra biên bản xử phạt! Đến khi dân vừa nhận án tịch thu, phạt vạ, chưa kịp khiếu nại theo luật, chính quyền lại hối hả cho phép bán tang vật sung công quỹ…  

Những khối tài sản khổng lồ đang đập vào mắt bàn dân của không ít quan chức từ đâu ra? Biên lai, hóa đơn, bằng chứng hợp pháp đâu? Khi ngoài việc bám vào chức vụ, quyền lực được giao, họ và gia đình hầu như không đầu tư, kinh doanh gì. Nhưng đó lại là điều khiến các cơ quan phòng chống tham nhũng phải “đau đầu”. Bởi không thể xâm phạm quyền sở hữu tài sản đã được pháp luật bảo hộ. Nhưng còn tài sản của dân, của doanh nghiệp tư nhân, do thấp cổ bé họng nên dễ “ra tay” hơn chăng? Như với vụ “100 đô” ở Cần Thơ?

Nhưng điều muốn nói hơn không chỉ là tài sản, mà là luật pháp. Như cái  nghị định gây ngạc nhiên với điều khoản xử phạt “cứng đờ”, không hề chia ra các mức độ vi phạm. Anh nông dân bán trăm đô cũng phạt cùng mức như đại gia bán triệu đô. Cơ quan thực thi luật cũng phớt lờ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm của công dân nặng nhẹ ra sao, mà cứ thế đè ra phạt kịch khung. Phạt xong liền “bật đèn xanh”, rằng công dân Cà Rê có thể viết đơn xin “miễn nộp phạt”. Luật gì mà lại có thể xin-cho như giỡn kiểu ấy?!

Khái niệm “sửa đổi, bổ sung” luật ở ta đến nay đã trở nên quá quen thuộc. Ngay cả những luật vừa mới ban hành cũng phải sửa đổi, bổ sung. Chưa kể hệ thống văn bản dưới luật. Nhìn tích cực, đó thể hiện sự “chịu lắng nghe” phản ứng từ cuộc sống của những cơ quan lập pháp. Nhưng cũng cho thấy tính bền vững của việc xây dựng Luật đang có vấn đề.

Đến việc vận dụng luật vào các lĩnh vực cuộc sống cũng đáng lo ngại. Theo báo cáo mới đây của Bộ Tư pháp, năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật được ban hành bởi các bộ, ngành, địa phương. Tính ra, mỗi ngày có tới 23,6 văn bản trái pháp luật được ban hành!

Hôm qua, báo chí dẫn lời Thống đốc Ngân hàng nhà nước bên hành lang Quốc hội, rằng “nghị định trăm đô” (Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) cũng đang có kế hoạch sửa đổi.

Sửa là cần thiết. Nhưng điều lớn hơn dân trông chờ, là làm sao có thể thu hồi tài sản tham nhũng “không rõ nguồn gốc” của quan chức cũng quyết liệt và “chớp nhoáng” được như cách mà Cần Thơ làm với dân.

MỚI - NÓNG