Sưởi ấm bằng bếp than: Coi chừng ngộ độc!

Sưởi ấm bằng bếp than: Coi chừng ngộ độc!
TP - Chỉ trong đợt rét tuần qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc do sưởi ấm bằng bếp than.
Sưởi ấm bằng bếp than: Coi chừng ngộ độc! ảnh 1
Bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Ảnh: T.Hà

TS Phạm Duệ - Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, năm nào cũng có hàng chục trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong chỉ vì thiếu hiểu biết. 

Trường hợp bị ngộ độc khí than gần đây nhất là hai chị em bệnh nhân T.S.M (15 tuổi, ở Hà Nội). Trời lạnh, người lớn chuẩn bị cho hai chị em M. hai chậu than hoa đặt vào phòng tắm cho ấm.

Một lúc sau, hai chị em vào đóng cửa tắm. Cậu em nhỏ tuổi hơn nên bị xỉu trước. Cô chị cố gắng với tay ra mở cửa nhưng cũng chỉ nắm được nắm đấm cửa chứ chưa kịp xoay ra đã ngất luôn.

Đúng lúc đó, người anh họ của hai chị em tới chơi, đợi hai em tắm lâu quá không ra, gọi không thấy ai thưa, liền mở cửa buồng tắm thấy hai em đang nằm ngất trên nền nhà. Gia đình đưa cậu em đến Bệnh viện Xanh Pôn và cô chị tới Bệnh viện Bạch Mai.

TS Phạm Duệ cho biết, do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân không để lại di chứng nặng nề nào. Tuy nhiên bệnh nhân phải thở oxy liều cao 100% trong nhiều giờ đồng hồ. Nguyên nhân ngất được xác định là do ngộ độc khí than, thiếu oxy lên não, hôn mê.

Đáng chú ý là trước khi hai chị em M. vào tắm và bị ngất, cậu em út 3 tuổi đã chạy vào phòng tắm chơi nhưng vội vã chạy ra nói với người lớn là ở trong nhà tắm mùi khó chịu, không thở được.

Nhưng lúc đó mọi người trong gia đình không ai để ý đến câu nói của cậu bé 3 tuổi. Đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra, cả nhà mới ý thức rõ hơn việc thiếu hiểu biết đã gây hậu quả không tốt cho sức khỏe của hai trẻ nhỏ.

Cách đây không lâu Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận trường hợp một gia đình ở phố Tân Mai (Hà Nội) bị ngộ độc khí than vì dùng tới 2 bếp than tổ ong để sưởi ấm ban đêm trong căn phòng 8m2, đóng kín cửa. Hậu quả là người chồng và cậu con trai bà B. bị tử vong, còn bà B. nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu.

Ngộ độc, xử lý ra sao?

TS Duệ cho hay việc đốt than tổ ong hàng ngày có nhiều tác hại cho sức khỏe. Khí CO và CO2 từ bếp than xâm nhập vào cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy, sẽ gây tổn thương vỏ não, dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong, nếu không được cứu chữa kịp thời.

Nhiều người tiết kiệm điện không dùng máy sưởi điện mà thay bằng bếp than tổ ong rất nguy hại. Trong phòng ngủ hoặc phòng tắm chật hẹp, khi ủ bếp than tổ ong sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Đã có những trường hợp bị ngộ độc khí than quá nặng dẫn tới mất vỏ não, phải sống đời sống thực vật.

Hiện nay trên thị trường có loại than siêu cháy rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, đây là loại than rất độc hại vì trong than có sử dụng dầu nhớt thải chứa nhiều kim loại nặng độc hại.

Khi than cháy, các phân tử kim loại có thể theo khói đi vào phổi người sử dụng. Hơn nữa, nguy cơ ung thư phổi khi sử dụng bếp than lâu ngày cũng  tăng cao hơn.

Điều quan trọng nhất khi phát hiện thấy người bị ngộ độc khí than là cần đưa ra chỗ thông thoáng, hô hấp nhân tạo. Tiếp đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ thở oxy.

Các bác sĩ khuyến cáo khi trời lạnh đến mấy cũng không nên mang bếp than vào phòng ngủ hoặc phòng tắm chật và kín để sưởi vì không an toàn. Nhiều người mang bếp than đang ủ vào phòng ngủ, bị hôn mê ngộ độc khí than đến mức chân chạm vào bếp than cháy đen.

Trong trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu nên đặt bếp ở nơi thông thoáng, có gió để chuyển đổi không khí. Người hay tiếp xúc với bếp than nếu thấy xanh xao, mệt mỏi, đau đầu phải được kiểm tra sức khỏe để phát hiện bệnh, điều trị kịp thời. 

MỚI - NÓNG