Sững sờ tháp Chăm giữa đại ngàn

Tháp Chăm Yang Prông giữa rừng già.
Tháp Chăm Yang Prông giữa rừng già.
TP - Sau hơn 20 năm đón nhận danh hiệu di tích kiến trúc cấp quốc gia, Tháp Yang Prông ở Đắk Lắk đã được Nhà nước rót vốn hơn 10 tỷ đồng trùng tu, đón khách tham quan và phục vụ nhu cầu nghiên cứu. Đây là tháp Chăm duy nhất trên Tây Nguyên, khuất sâu trong những cánh rừng già vùng biên Ea Súp. Tháp nghìn năm đìu hiu, cô quạnh...

“Báu vật” giữa rừng

Hơn 60 cây số từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đến huyện Ea Súp đường trải nhựa rộng thênh thang, vắng người qua lại. Đang là mùa lá rụng rừng khộp, nên cảnh sắc hai bên đường đẹp như tranh. Từ rìa huyện Ea Súp vào xã Ea Rốk tầm 20 cây số nữa thì mặt đường xuống cấp trầm trọng, mấp mô sỏi đá, bụi tung mù mịt. “Làm du lịch mà đường sá như thế ai mà dám tới. Nghe bạn bè kể tháp đẹp nên tôi mới dò dẫm lên đây, nhưng thật tình đi vầy oải lắm!”, đôi bạn đi xe máy cạnh bên than thở.

Rừng già Ea Súp hiện ra, tôi không tránh khỏi cảm giác bị choáng ngợp bởi những cây cổ thụ cao to sừng sững, tán cây xòe rộng như những bàn tay khổng lồ che tối cả mặt đất. Dưới bóng râm tưởng chừng như không có lối vào ấy, bất ngờ lộ ra một con đường thâm u kéo dài đến tận chân tháp. Tháp cổ hiển hiện trước mắt tôi với vẻ đẹp hút hồn không thể diễn tả nổi bằng lời. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể lý giải được một cách chính xác vì sao trên mảnh đất Tây Nguyên lại có thể tồn tại một tháp Chàm cổ kính vốn là “đặc sản” kiến trúc của người Chăm thường chỉ bắt gặp ở vùng Nam Trung bộ.

Trong không gian tĩnh mịch của rừng sâu, tôi cẩn trọng nhích từng bước qua cánh cổng duy nhất rộng chừng 1 m để vào trong tháp. Dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đèn cầy, tôi nhận ra một tấm gương lớn phủ lụa đỏ gợi cảm giác thần bí với bao điều bí mật.

Ngọn tháp này quá đặc biệt bởi nó là tháp Chăm duy nhất không được xây dựng trên đỉnh đồi cao hay những vách núi dựng đứng ngập tràn nắng gió, mà lại đơn độc ẩn mình dưới bóng rừng già Ea Súp bên cạnh dòng sông Ea H’Leo hiền hòa thơ mộng. Trong không gian ấy, tháp Yang Prông như một báu vật của núi rừng, nơi thần linh ngự trị.

Tháp cao khoảng 9 m như búp hoa khổng lồ vươn lên từ một khu nền hình vuông, mỗi chiều rộng 5 m. Toàn bộ tháp cổ được xây dựng bằng gạch nung đỏ, không có dấu hiệu của mạch vữa, chỉ một cửa thật duy nhất ở phương đông hướng về phía mặt trời mọc, ba mặt còn lại là cửa giả. Trên đỉnh tháp, cây cối mọc um tùm. Những búi rễ cây ngoằn ngoèo thò ra tứ phía rủ xuống như những con rắn đang quấn lấy nhau. Trong không gian tĩnh mịch đến rợn người của rừng sâu, tôi cẩn trọng nhích từng bước qua cánh cổng duy nhất rộng chừng 1 m để vào trong tháp. Dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đèn cầy, tôi nhận ra một tấm gương lớn phủ lụa đỏ gợi cảm giác thần bí với bao điều bí mật, ngoài ra không có gì khác.

Sững sờ tháp Chăm giữa đại ngàn ảnh 1

Đường vào chân tháp Yang Prông.

Ra khỏi khu rừng có ngôi tháp báu vật, tôi lân la bắt chuyện với những người dân trong buôn. Khi nghe hỏi về cái tên Yang Prông, ông Y Baly (70 tuổi) kể rằng: Không biết cái tên ấy có từ bao giờ, nhưng theo tiếng Ê đê, nó có nghĩa là thần lớn.  Theo các chuyên gia, tháp được xây dựng bởi nhà vua Chăm Pa lúc đó là Java Sinhavaman III (tức Chế Mân, chồng của công chúa Huyền Trân) từ thế kỷ XIV. Còn sự kiện lịch sử nào gắn với việc xây dựng tháp thì chưa ai tìm ra câu trả lời chính xác. Xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều giả thuyết khác. Dân trong vùng chẳng hề biết đến nguồn gốc của ngôi tháp cổ. Họ chỉ biết tháp như một vị thần lớn, linh thiêng cần được thờ phụng.

Già làng kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian: Có hai vợ chồng nhà kia sinh sống ở đây đến kỳ sinh nở, người chồng chạy đi tìm bà đỡ. Khi bà đỡ bắt tay vào việc thì bỗng nhiên trên không trung xuất hiện một cánh diều cùng tiếng sáo réo rắt véo von làm chim rừng thôi hót, cây lặng im. Bà đỡ mê mẩn tiếng sáo quên luôn việc làm của mình. Em bé vừa ra khỏi bụng mẹ đã vĩnh viễn không thể cất tiếng khóc chào đời và người mẹ trẻ cũng chết theo con.

Người chồng bị tiếng sáo mê hoặc đến khi giật mình tỉnh lại nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng căm giận cầm gươm chém đứt đầu bà đỡ. Xác của ba người chết nằm kề bên nhau dưới chân tháp Yang Prông. Một thời gian sau, tại nơi này có vô số cây lớn mọc lên tạo thành rừng già Ea Súp. Thương cảm trước cái chết thương tâm của 3 mạng người, dân làng từ khắp nơi đổ về khấn vái, rượu cúng chảy lênh láng thành sông Ea H’Leo uốn lượn quanh rừng. Ở xã Ea Rốk bây giờ còn có một cái ao gọi là ao Bã Rượu.

Sững sờ tháp Chăm giữa đại ngàn ảnh 2

Cửa phụ của tháp Yang Prông.

Trùng tu 10 tỷ vẫn... bỏ hoang            

Không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháp Yang Prông mang sắc thái và văn hóa Chăm cổ xưa huyền bí, cổ kính thâm nghiêm tồn tại vững bền cùng thời gian. Tháng 8/1991, tháp đã được công nhận là Di tích văn hóa kiến trúc cấp Quốc gia.

Hơn 20 năm trôi qua, việc quản lý, khai thác di tích này hầu như bị lãng quên. Nằm tách biệt hẳn với hệ thống kiến trúc tháp cổ Champa tập trung ở Nam Trung bộ, tháp này bị bỏ rơi đơn độc trong cái lạnh lẽo của rừng già, ngày càng xuống cấp, hư hại. Thân tháp bị nứt nẻ, bong tróc lỗ chỗ, nhiều nơi rễ cây rừng ăn sâu vào, cỏ trên đỉnh tháp mọc tua tủa; các viên gạch vỡ nham nhở, quanh móng có nhiều hòn đá bị bể. Không có người trông coi nên rác xả bừa bãi, trẻ con đưa trâu bò vào chăn thả mất vệ sinh. Đặc biệt là trong và bên ngoài tháp vào những ngày rằm có nhiều bát nhang, bàn thờ tự, thùng công đức do người dân tự ý đưa đến khiến cảnh quan tháp nhếch nhác.

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã được đầu tư trên 10 tỷ đồng để trùng tu di tích tháp Yang Prông với nhiều hạng mục như: Trùng tu, gia cố khung thép khu vực chung quanh tháp chính, xây dựng tường rào bao quanh, láng nền bằng xi măng với tổng diện tích 1.200 mét vuông, trồng cỏ, đặt ghế đá trong khuôn viên khu vực tháp.

Ông Bùi Đức Nguyệt - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Rốk cho biết: Sau khi tháp được trùng tu, xã đã thuê một hội viên hội cựu chiến binh làm bảo vệ trông coi tháp. Nhiều lần tuyên truyền vận động cho bà con hiểu nên bây giờ không còn hiện tượng hương khói nữa. Xã còn quá nghèo để nói đến chuyện phát triển du lịch, trong năm cũng chỉ có 1 đến 2 đoàn vào tham quan. Rất mong các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư để phát triển du lịch”.

Ông Trần Quang Thiện - bảo vệ tháp chia sẻ: “Từ khi làm công việc này tôi cảm thấy vui vì đã được góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa. Ngày nào tôi cũng dạo một vòng quanh tháp, quét dọn khuôn viên tháp sạch sẽ. Hy vọng sẽ có nhiều đoàn tham quan vào đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của ngôi tháp cổ này”.

Ông Trần Hùng - Quyền giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau khi trùng tu, tỉnh giao cho xã Ea Rốk quản lý, tiếp tục tìm nhà đầu tư. Hiện tại tháp vẫn rất đìu hiu vì do xã nghèo, đường sá đi lại rất khó khăn. Tháp có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch Bản Đôn hay không, còn cần rất nhiều giải pháp khả thi khác nữa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.