Sự thật về cuốn 'y thư' cổ được định giá tiền tỷ ở Hà Nội

Anh Ngô Văn Dẫn.
Anh Ngô Văn Dẫn.
Những ngày gần đây, tin đồn về cuốn sách cổ có ghi cách chữa trị hơn 700 loại bệnh từ lá cây trong vườn của một người đàn ông ở thôn Thế Trạch (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được định giá gần 1 tỷ đồng đã khiến nhiều người xôn xao bàn tán.

Thế nhưng, sự thật liệu có đúng như những gì mà chủ nhân cuốn sách này cho biết, cả về công dụng thần kì của những bài thuốc cũng như số tiền được đặt ra để sở hữu cuốn sách cổ này...

Xuất xứ cuốn sách tiền tỷ

Để tìm hiểu về sự việc này, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Ngô Văn Dẫn (38 tuổi), là người sở hữu cuốn sách cổ gây xôn xao dư luận kia. Sau khi hỏi về cuốn sách cổ, anh Dẫn cho biết, mọi việc đúng như những gì mà người dân đồn đại, rằng anh đang sở hữu quyển sách ghi chép các bài thuốc, đã có người hỏi mua với giá trên 800 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý bán. 

Anh Dẫn cho biết thêm, cuốn sách được nhắc tới có tên "Hồng Nghĩa Giác tư y thư" được cho là chân truyền những lý thuyết mà vị danh y Tuệ Tĩnh để lại. Anh nông dân này cho biết thêm, trước đó, bản thân anh cũng không biết rằng đây là một khối tài sản khổng lồ. Mãi thời gian gần đây, khi các thầy thuốc Đông y từ nam chí bắc tìm đến và trả giá thì cuốn sách mới được anh cất gói một cách kỹ càng, cẩn thận và gửi ở một nơi bí mật vì anh thường xuyên phải ra đồng làm việc. 

Anh Dẫn chia sẻ: "Sau khi cuốn sách được hỏi mua giá cao, tôi nghĩ nó có giá trị về y học và rất quý. Nhưng cũng vì thế mà nhiều đêm liền thấp thỏm không ngủ được vì sợ có trộm vào nhà để ăn cắp sách. Cứ có tiếng động nhẹ thôi là tôi đang ngủ cũng phải bật dậy...".

Nói về nguồn gốc cuốn sách, anh Dẫn cho biết, cuốn sách này do một người bạn tặng cho mình cách đây hơn 20 năm làm quà cưới. "Khi anh ấy tặng tôi cuốn sách này cũng không nói rõ nguồn gốc của sách mà chỉ bảo đây là sách thuốc, học đi mà tìm cách kiếm sống. Hồi ấy đám cưới người ta thường mừng tiền, gạo hay vật dụng gia đình. Anh bạn tôi cũng là một người khá giả, lúc anh ấy tặng cho quyển sách cũ, tôi cũng thấy khó hiểu và suy nghĩ nhiều".

Ban đầu, anh Dẫn chỉ đem sách cất vào một ngăn tủ, hiếm lắm mới đem ra đọc một chút nhưng không hiểu gì nhiều nên tiện tay để luôn ở phòng khách. Mãi đến khi có hơn chục vị tự xưng là thầy thuốc Đông y từ Nam chí Bắc tìm đến nhà anh để được anh cho xem và sẵn sàng mua lại cuốn sách với số tiền lớn thì anh mới cất giữ cẩn thận.

"Ban đầu tôi cũng không biết vì sao những người này biết nhà tôi, tìm đến để hỏi mua sách. Sau này mới nghĩ ra có thể ông anh đã tặng sách chữa bệnh cho ai đó, họ thấy hiệu quả và tìm đến mua lại. Có người lặn lội từ tận miền Nam ra nhà tôi. Người đầu tiên ra giá 50 triệu đồng, thấy quyển sách này chắc chắn có giá trị cao nên tôi không bán ngay và quả nhiên sau đó tiếp tục có nhiều người đến hỏi. Họ nâng giá từ 100 triệu, 200 triệu rồi đến 800 triệu đồng. Lúc ấy tôi mới biết quyển sách này quý thế nào và từ chối bán", anh Dẫn kể lại. Khi được hỏi lý do từ chối số tiền lớn như vậy, người đàn ông này cho biết thêm sẽ đợi người trả giá cao hơn nữa mới bán để có thêm một phần tiền đem đi làm từ thiện.

Sau khi thấy nhiều người hỏi mua với giá cao, người nông dân này mới bắt đầu để ý đến cuốn sách. Cuốn sách cổ ghi lại tỷ mỉ về cách chữa rất nhiều loại bệnh, có những bệnh nan y, mà chỉ toàn dùng những thứ có sẵn trong tự nhiên như cây cỏ, giun đất, cứt dê…

Cuối trang của cuốn sách là lời tựa Hồng Nghĩa Giác tư y thư. Cuốn sách này được làm bằng giấy đen, đã mất bìa và 40 trang đầu tiên của sách. Tuy đã cũ, nhiều trang giấy đã nát, mục, tuy nhiên chữ viết trong cuốn sách vẫn đọc khá rõ.Vì bị mất 40 trang đầu và phần phụ lục cuối nên không biết rõ cuốn sách được in năm nào và do nhà xuất bản nào ấn hành...

Giá trị thật sự?

Sau những thông tin mà chủ nhân cuốn sách cung cấp, có thể khẳng định rằng cuốn sách mà anh Dẫn đang sở hữu đúng là một tài liệu cổ ghi chép các bài thuốc. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là liệu cuốn sách có đáng giá gần một tỷ đồng như anh Dẫn đã cho biết hay không. Để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đã đến gặp ông Đào Văn Chiến - Phó Trưởng thôn Thế Trạch. Ông Chiến đang rất bức xúc khi có thông tin rằng, mình là người xác nhận vụ việc có người đến hỏi mua cuốn sách của anh Dẫn.

Sự thật về cuốn 'y thư' cổ được định giá tiền tỷ ở Hà Nội ảnh 1 Cuốn sách đã bị mất bìa.
Ông Chiến cho biết: "Đúng đây là một cuốn sách ghi chép về các bài thuốc, nhưng tôi không phải người trong ngành, không có chuyên môn gì nên không đánh giá được giá trị của cuốn sách có phải là sách cổ, quý hiếm hay không. Còn chuyện nhiều người lạ đến nhà anh Dẫn để hỏi mua sách thì tôi khẳng định là không có. Tôi cũng chỉ mới được xem qua các bài thuốc trong sách chứ không thử ứng dụng lần nào, không thể biết được tác dụng của cuốn sách ra sao...".

Theo ông Chiến thì cuốn sách này được in bằng chữ quốc ngữ, có những đoạn còn được viết bằng bút bi, chỉ có phần trích lục có đôi dòng Hán-Nôm. Nếu nói về giá trị thì đây chỉ có thể gọi là quyển sách cũ, không thể là sách cổ như những gì mà người dân nơi đây đồn thổi và nhất là nó không có giá đến gần một tỷ đồng. Trong cuộc nói chuyện với anh Dẫn, chúng tôi cũng thấy nhiều điểm nghi vấn.

Sự thật về cuốn 'y thư' cổ được định giá tiền tỷ ở Hà Nội ảnh 2

Phó Trưởng thôn Đào Văn Chiến bức xúc chia sẻ với phóng viên.

Về những đoạn được ghi bằng bút bi, người đàn ông này cho rằng đó là khi người ta dịch lại những đoạn Hán-Nôm rồi chép bằng bút vào. Nhưng gần 700 trang còn lại của cuốn sách đều là chữ quốc ngữ, vậy những đoạn ghi từ bút bi được dịch từ đâu?

Ngoài ra, khi hỏi về công hiệu của các bài thuốc, anh Dẫn cho biết mình cũng đã thử nhiều lần và thấy vô cùng hiệu quả, nhưng khi hỏi về cách sử dụng mỗi bài thuốc và nêu ra một ví dụ cụ thể thì người đàn ông này không trả lời được hoặc trả lời mơ hồ.

Hay khi hỏi về những người đến mua sách, anh Dẫn cũng không kể tên cụ thể một ai hay địa chỉ và cách liên lạc với họ. Trước khi kết thúc câu chuyện, người đàn ông này còn nói rằng, vẫn đang đợi người ra giá hơn 800 triệu đồng liên lạc lại để bán, trái ngược với việc anh khẳng định không bán vì muốn đợi giá cao hơn để đi làm từ thiện.

Sự thật về cuốn 'y thư' cổ được định giá tiền tỷ ở Hà Nội ảnh 3

Lời tựa cuốn sách.

Cũng trong câu chuyện của ông Phó Trưởng thôn, ông này cho biết, cách đây không lâu, có người đã mời ông đến nhà anh Dẫn chỉ để cầm cuốn sách... chụp ảnh. Sau đó hình ảnh ông Chiến được đăng lên mạng như để tăng tính xác thực và giá trị của cuốn sách.

Vị Phó Trưởng thôn bức xúc cho biết: "Nếu quyển sách thuốc này thực sự quý và có những bài thuốc hay thì tôi rất trân trọng. Nhưng về chuyện tiền bạc, nếu nó đáng giá thì tôi không nói làm gì, nhưng nếu giá trị của nó không cao mà lại đồn thổi quá mức gây xôn xao dư luận thì tôi không đồng tình". 

Tuệ Tĩnh Thiền sư thường được gọi tắt là Tuệ Tĩnh hoặc Huệ Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương) được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam. Ông đã soạn được các sách: Nam dược thần hiệu, Nam dược chính bản, Thập tam phương gia giảm, Bổ âm đơn, Nhân thân phú. Bộ "Hồng Nghĩa Giác tư y thư" được chúa Trịnh mệnh danh cho là sách thuốc của Hồng Nghĩa Đường. Bộ sách này gồm 2 quyển thượng và hạ, vừa viết bằng chữ Nôm, vừa viết bằng chữ Hán, nội dung chủ yếu gồm bài phú về thuốc nam, bài phú về dược tính bằng chữ Hán, các mục về y lý chung như: Can, chi, bát quái, tạng phủ, kinh lạc... Chủ trị của các vị thuốc, bài thuốc... thập tam phương gia giảm, ba mươi bảy phương chữa thương hàn... Cả hai bộ sách đã có ảnh hưởng rất sâu rộng trong nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG