Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi
TP - Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa giới thiệu kỹ thuật mới trong ngành chăn nuôi: sử dụng đệm lót sinh học. Phương pháp này được đánh giá là hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phương pháp trên được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong bối cảnh ô nhiễm chăn nuôi ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Mỗi năm, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra 75-85 triệu tấn chất thải. Các chất thải này thường xuyên không được xử lý ổn định. 

Công nghệ sử dụng đệm lót sinh học là công nghệ sử dụng một tấm đệm dày lót dưới sàn của chuồng trại chăn nuôi. 

Lớp đệm dày khoảng 50 cm bao gồm trấu và rơm cắt nhỏ, cám gạo, được trộn với chế phẩm sinh học, có tác dụng tiêu hủy phân và nước tiểu trong chuồng trại, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ ruồi muỗi, không mùi hôi, tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng. 

Theo GS.TS Phạm Văn Ty, nguyên Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, lớp đệm lót sinh học còn có một số tính năng như: Tiết kiệm thức ăn do tỷ lệ hấp thụ tiêu hóa thức ăn được nâng cao từ đó giảm dư lượng hóc môn, nâng cao chất lượng thịt; tiết kiệm sức lao động, nước, chi phí gia nhiệt. 

Hiện nay mô hình này đang được áp dụng trên địa bàn một số tỉnh, đặc biệt là Hà Nam. Địa phương này đã xây dựng được 1.120 mô hình với tổng diện tích đệm lót sinh học là 17.750 m2 cho chăn nuôi lợn.

MỚI - NÓNG