Sốt quýt lộc bình, trâu cõng quất

Đu đủ bonsai ở Văn Giang (Hưng Yên)
Đu đủ bonsai ở Văn Giang (Hưng Yên)
TP - Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Tân Sửu 2021, nhưng tại các “thủ phủ” cây cảnh như Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên) các nhà vườn bắt đầu “chào hàng” cho ra các sản phẩm độc đáo, lạ mắt phục vụ người tiêu dùng.

Tại vùng quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội), năm nay, nhiều nhà vườn “sản sinh” ra nhiều loại quất bonsai lạ, độc đáo. Nổi bật là sản phẩm “trâu cõng quất” đa dạng về kích thước, tạo hình với nhiều dáng vẻ của con trâu. Quất được chăm sóc đặc biệt, quả mọng, to, nhiều cây đã chín, chỉ chờ đến Tết. Được biết, giá mỗi chậu  “trâu cõng quất” rẻ nhất là 1 triệu đồng. Loại lớn hơn có giá khoảng 5- 7 triệu đồng/cây.

Với những cây đẹp, quả đều, có chậu lớn, mức giá lên đến hơn chục triệu đồng. “Tôi bắt đầu bán từ đầu tháng 10 Âm lịch, ai đến đặt sẽ ghi tên, đến ngày sẽ vẫn chuyển đến địa chỉ theo yêu cầu. Sản phẩm “trâu cõng quất” năm nay được ưa chuộng hơn linh vật năm ngoái. Trâu thể hiện sự khỏe khoắn, chăm chỉ, của cải dồi dào... nên được nhiều người săn đón”, anh Lĩnh, một chủ nhà vườn ở Tứ Liên chia sẻ.

Cũng theo anh Lĩnh, để có thể trồng thành công được một cây “trâu cõng quất”, người làm vườn phải mất một năm chọn giống cây, tạo dáng, chăm sóc cực kỳ tỉ mỉ. Đặc biệt nhất là công đoạn lên chậu, sao cho phù hợp với tỷ lệ, không bị làm chột cây, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo cho cây có quả to, vàng, nặng trĩu, và chín đúng dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, tại vùng quất, quýt Văn Giang (Hưng Yên), năm nay cũng có “hàng độc” bán Tết. Nếu tìm đến lão nông Nguyễn Trung Thành ở thôn Phi Liệt,  người mua sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những mẫu cây cảnh độc đáo, lạ mắt. Năm nay, nghệ nhân Thành cho ra mắt sản phẩm quýt lộc bình “khổng lồ” độc đáo, rất công phu, cao hơn những năm trước.

Được biết, quýt lộc bình nổi trên thị trường Tết vài năm gần đây với độ cao 2,5m - 3m, còn ông Thành cho ra sản phẩm với chiều cao lên đến 3,5m. Ông Thành cho biết, năm ngoái bán được 50 triệu đồng/cặp nhưng năm nay chỉ bán được với giá 20- 24 triệu đồng/cặp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Cả năm trông chờ vào dịp Tết nhưng gần đây lượng tiêu thụ hụt so với mọi năm. Năm nay tôi trồng hơn 400 gốc quýt, 30 gốc theo dáng lộc bình, tình hình kinh tế khó khăn do COVID-19 nên chỉ dám bán với giá bằng nửa năm ngoái, hy vọng sẽ bán được hết trước khi Tết đến”, ông Thành chia sẻ.

Để tạo được một cây quýt lộc bình với chiều cao khoảng 3,5m, đường kính 1,2m, theo ông Thành, phải trải qua quá trình cắt tỉa tạo thế công phu. Cây đủ điều kiện tạo thế phải là cây già từ 5 đến 7 năm, có tán rộng, và thời gian tạo thế phải mất từ 4 đến 5 ngày mới xong. Đặc biệt, mọi công đoạn đều được làm thủ công để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Đu đủ bonsai được ưa chuộng

 Trong khi đó, tại nhà vườn của anh Hoàng Đình Chính (Văn Giang), nhiều người đến thăm quan, đặt mua đu đủ bonsai về chơi Tết. Cây đu đủ được anh Chính trồng trong chậu, chỉ vừa nhô lên mặt đất nhưng chi chít quả, nếu chín đúng vào dịp Tết sẽ rất đẹp. Chia sẻ với phóng viên, anh Chính bảo, người xưa quan niệm, đu đủ thể hiện cuộc sống đủ đầy, bền vững.

“Nhiều người chọn đu đủ bonsai để trong nhà hoặc làm quà biếu trong dịp Tết nên tôi quyết định trồng loại này  sau khi nắm bắt được thị hiếu chơi cây cảnh độc lạ trong những năm gần đây”, anh Chính nói.

Theo anh Chính, để trồng được đu đủ trong chậu cần phải dùng đất thịt ải hoặc đất mới. Một cây đu đủ bonsai đẹp phải hội tụ nhiều yếu tố như thế cây đẹp, quả to và đều, lá xanh đẹp… Thời điểm trồng đu đủ bonsai tốt nhất bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 Âm lịch để kịp thời thu hoạch đúng dịp Tết nguyên đán.

MỚI - NÓNG