Sở VH Lâm Đồng vào cuộc vụ du khách Thái Lan bị đánh ở Đà Lạt

TPO - UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc giao cho các ban ngành chức năng kiểm tra xác minh thông tin trên và đề xuất hướng xử lý trước ngày 20/2.
Sở VH Lâm Đồng vào cuộc vụ du khách Thái Lan bị đánh ở Đà Lạt ảnh 1

Hồ Vô cực, nơi xảy ra vụ xô xát

Sáng ngày 17/2, bà Nguyễn Thị Nguyên-Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho biết vừa giao cho Thanh tra Sở mời đơn vị quản lý khu du lịch (KDL) Đường hầm điêu khắc đất sét (Công ty CP Sao Đà Lạt) lên làm việc xung quanh vấn đề này.

Một lãnh đạo của UBND TP.Đà Lạt cũng cho hay đã nắm thông tin vụ việc nói trên và giao Công an TP.Đà Lạt làm rõ, báo cáo kết quả để tỉnh có phương án xử lý nghiêm khắc, bảo đảm không để tái diễn hiện tượng xấu này. 

Thông tin ban đầu, khoảng 11 giờ ngày 11/2, đoàn du khách Thái Lan đang xếp hàng để chụp ảnh tại hồ Vô cực trong KDL Đường hầm điêu khắc đất sét thì nữ du khách Việt Nam tên là N.T.T. (42 tuổi, trú quận Bình Thạnh - TP.HCM) cùng 1 người đàn ông lấn vào chụp hình trước. Cô P (29 tuổi, du khách Thái Lan) không đồng ý và đã xảy ra tranh cãi giữa hai bên. Lực lượng bảo vệ KDL đến can ngăn.

2 du khách Việt Nam lên bờ trước và đứng phía cuối hồ. Đến khi đoàn du khách Thái Lan bước lên thì bất ngờ bà N.T.T. lao đến giật tóc chị P dẫn đến xô xát. Hậu quả chị bị P bị đứt một nhúm tóc, trầy mũi và gãy kính. Bảo vệ của KDL đã can ngăn và mời Công an Phường 4 (TP.Đà Lạt) đến giải quyết.

Khi tường trình lại vụ việc, bà N.T.T. thừa nhận: “… quá trình xô xát, người phụ nữ Thái bị trầy mũi và gãy kính mát, còn tôi không bị thiệt hại gì”.

Sau đó, hai bên viết giấy thỏa thuận tự giải quyết, không yêu cầu công an xử lý rồi ra về.

Đêm 11/2, cô P đưa lên trang Facebook cá nhân của mình bài viết khá dài với những lời lẽ bức xúc: …Khi bị hắt nước vào mặt, chúng tôi đã bỏ đi để không xảy ra vấn đề gì với người phụ nữ này. Nhưng một người bạn của người đó đã xô vào chúng tôi. Một người đàn ông khác nhặt một thanh gỗ lên như sẽ đánh chúng tôi. Có 3-4 bảo vệ đến can ngăn. Khoảng hơn 1 giờ sau, cảnh sát đến, chúng tôi ngồi nói chuyện trong văn phòng. Chúng tôi yêu cầu công lý. Lẽ ra người phụ nữ áo cam và bạn trai cô ấy phải xin lỗi chúng tôi nhưng người này không xin lỗi. Nếu chúng tôi muốn thực hiện vụ kiện, chúng tôi cần phải đi thưa kiện và chờ đợi tòa án giải quyết. Nhưng chúng tôi chỉ sắp xếp một chuyến đi ngắn, không thể chờ đợi việc đó...

Sở VH Lâm Đồng vào cuộc vụ du khách Thái Lan bị đánh ở Đà Lạt ảnh 2 Những hình ảnh và clip về vụ việc xuất hiện trên mạng xã hội-ảnh chụp màn hình
Đến ngày 13/2, một trang tin điện tử của Thái Lan chuyên về giải trí, du lịch đã dẫn lại lời cô P và những hình ảnh, video clip về sự việc, cảnh báo du khách đi du lịch đến Việt Nam hãy cẩn thận.

Theo đại diện Công ty CP Sao Đà Lạt, vụ việc này là điều đáng tiếc, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận du khách Việt Nam. Bất cứ ai chứng kiến vụ việc cũng không thể chấp nhận cách cư xử của du khách N.T.T. Công ty gửi lời xin lỗi đến với nhóm du khách Thái Lan vì hành vi không đẹp của nhóm du khách Việt Nam; đồng thời cho rằng, hành động của nhóm du khách này không đại diện cho hình ảnh của người Việt Nam nói chung và người Đà Lạt nói riêng.  

Sở VH Lâm Đồng vào cuộc vụ du khách Thái Lan bị đánh ở Đà Lạt ảnh 3
Hình ảnh nữ du khách Việt Nam tên là N.T.T (áo màu cam) to tiếng với khách Thái Lan bị đưa lên facebook.
Sở VH Lâm Đồng vào cuộc vụ du khách Thái Lan bị đánh ở Đà Lạt ảnh 4

Hình ảnh nam du khách Việt cầm khúc cây gây gổ với nhóm du khách Thái Lan bị tung lên mạng

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng cho hay sẽ có văn bản chấn chỉnh Công ty CP Sao Đà Lạt. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện xô xát giành vị trí chụp ảnh tại hồ Vô cực nhưng đơn vị này chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

“Lẽ ra phải cắt cử người túc trực hướng dẫn, nhắc nhở du khách tại khu vực này để đảm bảo việc tham quan, chụp ảnh diễn ra an toàn, văn minh. Khi đã xảy ra mâu thuẫn giữa các du khách thì phải xử lý đến nơi đến chốn, tránh xảy ra xô xát”, bà Nguyên chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.