Sở từ chối nâng cấp danh hiệu Đường Lâm?

Trong lúc chờ nâng cấp danh hiệu, Đường Lâm vẫn chưa khai thác tốt từ danh hiệu làng cổ . Ảnh: T.TOAN
Trong lúc chờ nâng cấp danh hiệu, Đường Lâm vẫn chưa khai thác tốt từ danh hiệu làng cổ . Ảnh: T.TOAN
TP - Trong khi BQL di tích làng cổ Đường Lâm sôi sục muốn nộp hồ sơ công nhận Đường Lâm là di tích quốc gia đặc biệt, Sở VH-TT&DL Hà Nội lại có quan điểm khác.

Lùi lại

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL di tích làng cổ Đường Lâm, bức xúc: Bộ VH-TT&DL có văn bản số 677 cho phép làm hồ sơ nâng cấp làng cổ Đường Lâm là di tích quốc gia đặc biệt. Thành phố cũng có văn bản cho phép Sơn Tây phối hợp Sở làm hồ sơ. 

Chuẩn bị cho việc này, địa phương còn tổ chức một buổi lấy ý kiến dân hôm 16/4. Hồ sơ chuẩn bị rồi, UBND thị xã Sơn Tây hai lần gửi hồ sơ lên Sở, nhưng không được chấp thuận.

Hỏi Giám đốc Sở VH-TT&DL Tô Văn Động, ông thừa nhận đúng là Sở chưa đưa hồ sơ của Đường Lâm vào danh sách di tích quốc gia đặc biệt lần này.

Trường hợp làng cổ Đường Lâm sẽ phải lùi lại, cuối tháng 6 này hết hạn gửi hồ sơ năm nay. Đại diện Sở lý giải, Hà Nội muốn Sơn Tây và người dân Đường Lâm ưu tiên giải quyết những vướng mắc trước, để tránh mâu thuẫn gặp phải trong quá trình khai thác di sản sống này.

“Trước bất cập tại Đường Lâm thời gian qua, các cấp và đặc biệt những người làm chuyên môn như chúng tôi muốn giãn ra, lắng nghe ý kiến thực sự của người dân trong vấn đề này. 

Hơn nữa, quy chế của làng cổ mới đưa vào áp dụng chưa lâu. Nên chờ thêm một thời gian nữa để thấy kết quả hiện hữu, chứ không phải chỉ qua báo cáo của Sơn Tây”, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích, Danh thắng Hà Nội, nói.

Trong bài phản ánh đăng trên Tiền Phong số ra ngày 14/6, một số hộ dân như bà Hà Thị Khanh, ông Phan Văn Lối, bà Vũ Thị Thu, Hà Thị Bích vẫn có nguyện vọng “giải phóng” khỏi danh hiệu di tích quốc gia, để “được tự do sống, xây nhà”. 

Tại một hội thảo về quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị ở làng cổ Đường Lâm, PGS.TS. Đặng Văn Bài nói, trước hết vẫn phải cải thiện đời sống cho dân, tạo sự bình đẳng giữa các nhà cổ và không cổ. Đây cũng là một trong số mâu thuẫn tồn tại ở làng cổ, chưa thể sớm giải quyết.

“Cứ khai thác tốt di tích cấp quốc gia đi, nâng cấp thành quốc gia đặc biệt để chậm lại một chút cũng không sao. Cố khoác danh hiệu làm gì cho mệt mỏi. 

Tôi thấy việc làm hồ sơ cũng cần kỹ càng hơn, vì có nhiều thứ như vấn đề về quy hoạch, bảo tồn, phát huy. Tất nhiên làng cổ Đường Lâm xứng đáng, đã có một số cơ sở cũ, nhưng để thành đặc biệt cũng nên cẩn thận. Hơn nữa, địa phương cũng nên tuyên truyền rộng rãi, để dân hiểu rõ hơn. Xét cho cùng, di sản là của dân”, bà Hòa nhấn mạnh.

Chưa biết làm du lịch

Hơn 9.000 làng ở Việt Nam mới có hai làng cổ Phước Tích, Đường Lâm. Đến Đường Lâm sau gần 10 năm nhận danh hiệu làng cổ, chúng tôi lấy làm lạ vì bước qua cổng Mông Phụ còn có cảm giác cổ, đi dọc đường làng gần như không thấy dấu hiệu cổ chỗ nào. Cũng đường bê tông, cũng nhà cao tầng khắp nơi.

Nhà cổ loại 1 của gia đình ông Hà Văn Vĩnh cũng mới nhận giải thưởng của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao tặng đầu năm nay, cách không xa đình Mông Phụ, nhưng không có biển chỉ dẫn. Ngay gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, tấp nập khách ra vào, nhưng chủ yếu qua kênh hỏi thăm dân làng. 

Cổng vào nhà ông Vĩnh thường khép hờ, ông bà đều là nhà giáo về hưu, ông cũng thừa nhận khách vào nhà không nhiều. Ông bà cũng không sống nhờ tiền hỗ trợ, hay thu lợi từ khách. Dân làng cổ xem ra không mặn mà làm du lịch từ danh hiệu.

Được biết, dân Đường Lâm cũng dự nhiều cuộc tập huấn, nhưng làm du lịch có lẽ chỉ là trách nhiệm của một số gia đình có nhà cổ loại 1, lại giữ nghề truyền thống như ông Nguyễn Văn Hùng với sản phẩm chè lam, gia đình ông Hà Nguyên Huyến theo nghề làm tương ngon có tiếng. Chỉ một số ít gia đình ăn theo, cũng bày biện từng mẹt chè lam tại cổng mời chào khách.

Về Đường Lâm đang mùa thu hoạch lạc. Rời nhà thờ Giang Văn Minh, chúng tôi đi ngang cổng một gia đình đang ngắt từng chùm lạc mới đem từ ruộng về. Nhiều chị em xúm xít đòi mua, người bán luống cuống tìm túi, bốc từng vốc lạc đính dầy bùn đất. 

Mỗi túi giá 10.000 đồng, du khách cười rạng rỡ vì mua được lạc quê tươi, lại rẻ. Chẳng rõ BQL có từng nghĩ nên mở ra một tour, để du khách về đây trải nghiệm công việc đồng áng, biết đâu lại hấp dẫn. 

Bà Yong người Singapore, đi cùng chồng và hai con trai, chia sẻ: “Tôi được khách sạn giới thiệu đến Đường Lâm. Tôi rất thích tìm hiểu những khung cảnh làng quê, thú vị mà ở Singapore không có”.

Dân Đường Lâm đa số là dân cày, nên trâu bò đủng đỉnh đi lại khắp làng, chất thải cũng theo đó rong khắp đường. Chưa kể tới việc xây dựng sản phẩm du lịch đúng nghĩa, có mỗi chuyện giữ vệ sinh cũng khó? “Thấy bẩn, chúng tôi kiến nghị nhưng không thấy ai có ý kiến gì”, ông Phạm Hùng Sơn nói. Hóa ra UBND thị xã Sơn Tây lại giao cho công ty vệ sinh, không đến lượt BQL.

Hôm đoàn chúng tôi đến Đường Lâm, liên hệ và được BQL cử một người dẫn đoàn. Tạm gọi là giới thiệu lưu loát những di tích cơ bản như cổng làng cổ, chùa Ón, đình làng và một vài nhà cổ ở Mông Phụ, nhưng chưa thể gọi là chuyên nghiệp. 

“Chúng tôi có 20 thuyết minh viên du lịch, không dám gọi là hướng dẫn viên, được Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT&DL đào tạo. Mỗi tháng chúng tôi trả mỗi em hơn triệu bạc, cũng không đủ tiền cho họ may đồng phục. Kể ra phải có hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh, Pháp, nhưng lấy tiền đâu mà trả cả ngàn đô la một tháng”, ông Sơn phân trần.

Năm 2014, Hà Nội có kế hoạch hoàn thành hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho chùa Hương, chùa Thầy, khu di tích đền Sóc, chùa Tây Phương. Quyết định cuối cùng phải chờ đến hết tháng 6 này.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.