Dự án xã hội hóa nhà vệ sinh và tuyến phố kiểu mẫu:

Sơ hở thẩm định năng lực nhà đầu tư?

Nhà vệ sinh công cộng tại vườn hoa Yersin. Ảnh: T.H.
Nhà vệ sinh công cộng tại vườn hoa Yersin. Ảnh: T.H.
TP - 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 100 tuyến phố kiểu mẫu… là hai trong số nhiều đề án xã hội hóa dịch vụ công mà Hà Nội đang tiến hành. Tuy nhiên, cả 2 dự án trên đều đang gặp khó khi triển khai. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực của những doanh nghiệp thực hiện dự án.

Dự án vẫn trên giấy

Sau gần 6 tháng triển khai dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn Thủ đô theo hình thức xã hội hóa đến nay, mới chỉ có duy nhất 1 NVSCC được đưa vào sử dụng tại phố Trần Nhân Tông (cổng công viên Thống nhất). Theo khảo sát của PV Tiền Phong, NVSCC tại Vườn hoa Yersin (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) thì NVSCC ở đây mới được đưa vào sử dụng nhưng cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Lý giải về NVSCC mới đưa vào sử dụng được gần 1 tuần đã đóng cửa, chủ đầu tư cho biết, do vòi cấp nước chưa hoạt động nên phải tạm đóng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã từng báo cáo với UBND TP Hà Nội rằng: Trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ đưa vào hoạt động 200 NVSCC trên địa bàn TP. Trao đổi với PV, ông Bùi Thái Song (đại diện Công ty Cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing), người phụ trách dự án xã hội hóa 1.000 NVSCC cho biết, việc lắp đặt chậm các NVSCC hiện nay là do phải thay đổi các vị trí lắp đặt. Lý do bởi tại một số vị trí, đơn vị thi công gặp phản ứng gay gắt của người dân, gây cản trở, thậm chí có nơi đơn vị thi công phải ngừng thi công, hoàn trả lại mặt bằng. Theo ông Song, do chưa hiểu được các công nghệ mà phía công ty sử dụng trong NVSCC, công nghệ xử lý chất thải bằng hóa chất không gây mùi thoát ra ngoài nên người dân phản ứng, không đồng ý. Bên cạnh đó, tại một số xã, phường trên địa bàn chưa xác định rõ vị trí lắp đặt nên chưa thể triển khai lắp đặt ngay.

Một dự án xã hội hóa khác cũng được người dân đặc biệt quan tâm, đó là Đề án 100 tuyến phố xanh, sạch, đẹp và phong cách do Công ty Cổ phần Truyền thông Minh đề xuất. Vào thời điểm tháng 9/2016, PV Tiền Phong đã cuộc trao đổi với đại diện Cty. Vị đại diện cho rằng: 100 tuyến phố sẽ đẹp hơn, sinh động hơn tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.

Nhà đầu tư năng lực ảo?

Tròn 6 tháng sau khi UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho Cty CP Truyền thông Minh triển khai đề xuất xây dựng 100 tuyến phố kiểu mẫu tại các quận nội thành, cho đến nay ý tưởng nêu trên vẫn chỉ dừng ở trên “giấy”. Theo thông tin PV có được, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Sở Xây dựng đã nhiều lần trao đổi, đôn đốc nhưng phía doanh nghiệp vẫn chưa bổ sung đầy đủ tài liệu vào hồ sơ để các cơ quan chức năng đưa ra thẩm định. Trong đó, điểm mấu chốt là doanh nghiệp chưa nêu rõ được các vị trí dự kiến triển khai, kinh phí dự kiến triển khai ở từng tuyến phố…. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty CP Truyền thông Minh thừa nhận: Cty gặp khó khi tìm nhà đầu tư các tuyến phố phong cách. “Hiện nay đúng là chúng tôi vẫn chưa có gì, giờ mới tìm được 2 nhà đầu tư tiềm năng”, vị này nói.

Có thể thấy, cả 2 Cty được thành phố giao thực hiện các đề án công ích đều là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực truyền thông, không phải doanh nghiệp chuyên môn về các hoạt động thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì bảo dưỡng công trình. Như Cty CP VinaSing đang phải thuê các Cty chuyên về cơ khí để gia công lắp đặt 1.000 NVSCC. Trong thời gian tới, Cty này cho biết, sẽ trực tiếp vận hành toàn bộ các NVSCC sau thời gian hoạt động thử giao cho doanh nghiệp vệ sinh môi trường. Như vậy, nếu tiếp tục phải tuyển dụng ít nhất 1.000 lao động để vận hành những NVSCC kể trên thì quả là một công việc không hề đơn giản.

Trao đổi với PV Tiền Phong, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 1.000 tỷ đồng xây dựng 1.000 NVSCC trên địa bàn của UBND thành phố là đúng đắn và cần thiết, nhất là ở thời điểm Nghị định 155 về xử phạt các hành vi xả thải nơi công cộng có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thành phố cũng cần phải xem xét lại cách thức, quy trình kêu gọi, tuyển chọn nhà đầu tư cho phù hợp hơn. 

MỚI - NÓNG