SCIC tìm kiếm nhà đầu tư 3,33% vốn Vinamilk

SCIC tìm kiếm nhà đầu tư 3,33% vốn Vinamilk
TPO - Ngày 18/10, tại TPHCM, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). SCIC dự kiến bán 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, tuy nhiên giá vẫn đang là ẩn số.

Ông Nguyễn Chí Thành – Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết, lần này SCIC dự kiến bán 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, tương ứng 48.333.400 cổ phần. Nhưng mức giá khởi điểm phải đợi đến ngày 1/11 mới được công bố. Và đến ngày 10/11, SCIC sẽ mở phiên chào bán công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE).

SCIC tìm kiếm nhà đầu tư 3,33% vốn Vinamilk ảnh 1 Nhiều đại biểu đặt câu hỏi rất quan tâm đến cổ phiếu của Vinamilk

Bà Đặng Thị Thu Hà - Phó Trưởng ban Đầu tư 3 của SCIC cho biết, mục đích của việc chào bán cổ phần của Vinamilk do SCIC nắm giữ nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC. Việc chào bán phần vốn nhà nước tại Vinamilk chỉ làm thay đổi cơ cấu cổ đông, không làm thay đổi mức vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, nếu thành công trong phiên này, Chính phủ sẽ chỉ còn nắm 36% vốn điều lệ tại Vinamilk. “Chủ sở hữu đích thực của Vinamilk là Chính phủ. Nếu Chính phủ quyết định vẫn muốn nắm quyền phủ quyết tại Vinamilk thì sẽ không bán tiếp. Còn nếu không, việc thoái vốn tại Vinamilk vẫn sẽ được tiếp tục sau đợt thoái vốn lần thứ hai này" - ông Chi cho hay.

Cuối năm 2016, SCIC chào bán hơn 130 triệu cổ phần Vinamilk, tương đương 9% vốn điều lệ. Hai nhà đầu tư nước ngoài là F&N Dairy Investments và F&Nbev Manufaturing (thuộc Tập đoàn Thai Beverage - Thái Lan) đăng ký mua hơn 78 triệu cổ phần với mức giá 144.000 đồng/cổ phần, bằng giá chào bán.

SCIC tìm kiếm nhà đầu tư 3,33% vốn Vinamilk ảnh 2 Bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk giải đáp thắc mắc tại hội nghị

Chia sẻ với đại biểu về thị trường xuất khẩu, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, một trong những hướng mới là sẽ tập trung cho xuất khẩu. Thị trường nội địa vẫn là trọng tâm, công ty sẽ tiếp tục giữ được thị phần nhưng sẽ tập trung nguồn lực thêm cho những thị trường xuất khẩu. Trong đó thị trường đang rất được quan tâm là Trung Quốc. Giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa có hiệp định trao đổi thương mại về sữa và các sản phẩm từ sữa. Vinamilk đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sữa với đối tác Trung Quốc để phân phối sữa sang thị trường này. Tuy nhiên do chưa có quy định nên nhiều sản phẩm vẫn chưa vào được nên cần phải có hiệp định. Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và nước bạn cũng rất nhiệt tình sau bản ghi nhớ có sự chứng kiến của Chủ tịch nước. Chúng tôi đang tiến hành để làm sao tất cả những chất lượng của Vinamilk đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Về khoản này Vinamilk đã làm xong. Vấn đề là nước bạn sẽ mời một đoàn sang khảo sát các nhà máy của mình và các sản phẩm, lấy mẫu kiểm tra. Nếu có thêm hiệp định thì chúng ta sẽ thoải mái hơn khi xuất khẩu vào thị trường tỷ dân này.

Bên cạnh đó, những thị trường xung quanh như Mianma với 60 triệu dân, Vinamilk cũng đang tìm đối tác để hợp tác, có thể là xây dựng nhà máy, xây dựng trang trại như chúng ta đang làm với Campuchia. Tất cả những thị trường tiềm năng của Vinamilk đều có hướng đi, vấn đề là phải tìm được đối tác tốt cùng làm với mình thì sẽ bền vững hơn – bà Liên cho biết.

Tính đến tháng 9/2017, Vinamilk hiện chiếm 57,8% thị phần sữa tại Việt Nam, trong đó có nhiều sản phẩm chi phối từ 40,5-81,1% nguồn cung thị trường ở sáu nhóm sản phẩm chính trong lĩnh vự sản xuất, chế biến sữa hiện nay.

Lúc 11h30 ngày 18/10, giá cổ phiếu mã VNM của Vinamilk được giao dịch ở mức 149.400 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với phiên hôm trước.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.