Sáp nhập Crimea: Moscow ủng hộ, Kiev phản ứng

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin tại một cuộc gặp với giới chức Crimea. Ảnh: Lenta
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin tại một cuộc gặp với giới chức Crimea. Ảnh: Lenta
TPO - Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) ủng hộ quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea về sáp nhập vào liên bang Nga. Trong khi đó, Kiev tuyên bố cuộc bỏ phiếu quốc hội Crimea là “quyết định bất hợp pháp".

Trưng cầu dân ý về tương lai của Crimea dự kiến tiến hành ​​vào 16/3 tới sau khi Quốc hội Crimea bỏ phiếu nhất trí “sáp nhập Liên bang Nga với các quyền lợi của một chủ thể thuộc Liên bang Nga” ngày hôm qua, 6/3.

Hãng tin Lenta dẫn lời ông Sergei Naryshkin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga tại một cuộc họp với các nhà lập pháp nước cộng hòa tự trị Crimea, cho biết, tất cả lãnh đạo của các đảng phái trong Duma ủng hộ quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea. 

Tuyên bố của ông Naryshkin được nhận định ẩn chứa hàm ý rằng, Quốc hội Nga sẽ thông qua cuộc bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập Liên bang Nga của Crimea.

Nhà lập pháp hàng đầu Điện Kremlin, ông Leonid Slutsky, cũng khẳng định: “Duma Quốc gia Nga sẽ ra quyết định dựa trên kết quả cuộc trưng cầu dân của người dân Crimea”.

Chủ tịch Duma Quốc gia Sergei Naryshkin cho biết, Moscow đang theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Crimea. Các nghị sĩ Nga cũng đã đến thăm nước cộng hòa tự trị và nhận định tình hình chung hiện nay tại Crimea, tiếp đó thông báo tình hình tới Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu giúp khôi phục hòa bình trong khu vực và bảo vệ các quyền của công dân.

Vladimir Konstantinov, người đứng đầu Hội đồng tối cao của nước Cộng hòa tự trị Crimea khẳng định, cuộc trưng cầu sẽ được tổ chức trong mọi trường hợp.

Theo ông Konstantinov, tất cả các quyết định của các nhà chức trách của nước cộng hòa có thể đi ngược với quyết định của các nhà lãnh đạo Ukraine mới.

Sáp nhập Crimea: Moscow ủng hộ, Kiev phản ứng ảnh 1

Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea

Trong khi đó, Kiev tuyên bố chính thức nhấn mạnh tính bất hợp pháp của Quốc hội Crimea. Tuyên bố nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ngay lập tức, một cuộc điện đàm thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã được thực hiện.

Trong thông báo của Nhà Trắng, ông Obama cho biết, động thái của Nga sẽ khiến Mỹ phải phối hợp với các đối tác châu Âu, để áp dụng một số bước đi đáp trả, đồng thời yêu cầu Nga rút quân khỏi các căn cứ tại Crimea, cho phép các giám sát viên quốc tế vào để đảm bảo quyền lợi của người dân tộc Nga tại Ukraine được tôn trọng và nhất trí đối thoại trực tiếp với chính phủ lâm thời Ukraine.

Tuy Tổng thống Putin khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Moscow - Washington trong các vấn đề an ninh quốc tế, nhưng nhấn mạnh quan hệ song phương không nên bị tổn hại vì Ukraine.

Theo Theo Lenta
MỚI - NÓNG