Sai lầm chết người khiến trẻ có thể tử vong vì bệnh sởi

GS.TS. Nguyễn Văn Kính
GS.TS. Nguyễn Văn Kính
TP - Bệnh sởi đang gia tăng nhanh chóng tại 44/64 tỉnh thành phố. Đáng nói là phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc-xin đầy đủ. 

GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (ảnh) cho biết, bệnh sởi có mức độ lây lan rất nhanh, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong đó, biến chứng phổ biến là viêm phổi, viêm phế quản gây ngừng thở, tắc thở, bị bội nhiễm, viêm não.

TS Kính cảnh báo, thực tế hiện nay nhiều phụ huynh đang sai lầm trong cách chăm sóc cho trẻ nhỏ khiến bệnh của con biến chứng nặng thêm. Điển hình như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc. Một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai, tình trạng trẻ càng trầm trọng thêm. 

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo.

Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Với trường hợp mắc nhẹ, các bác sĩ khuyến khích phụ huynh chăm con ở nhà. Và theo tiến trình phát triển bệnh, sau 1 - 2 ngày trẻ sẽ ho, chảy nước mũi có xuất hiện thêm ban mọc trên mặt. Sau đó khoảng 7 - 10 ngày, các triệu chứng sẽ hết, trẻ tự khỏi. Nếu trẻ có biểu hiện sốt tăng cao, khó thở, thân nhiệt không kiểm soát… thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để điều trị.

MỚI - NÓNG