Quỹ bảo hiểm kết dư 953 nghìn tỷ, rà lại mức đóng cho phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh Như Ý
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh Như Ý
TPO - “Chúng ta chưa khẳng định mức đóng hiện cao hay thấp, nhưng cần rà lại cả hai nội dung này để mức kết dư hàng năm phù hợp hơn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Chiều 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020. Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, kèm theo đó là Luật về việc làm.

Việc sửa đổi sớm sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. Vì hiện nay, chúng ta quy định 20 năm đóng mới được hưởng chế độ hưu trí, trong khi Nghị quyết 28 của Trung ương yêu cầu phải rút ngắn thời gian này lại. Hướng lộ trình đầu tiên có thể xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới 10 năm. “Nếu người lao động đóng BHXH mà chỉ chờ từ 10 –15 năm thì người ta còn theo đuổi tiền lương hưu về già, cái này rất tốt”, ông Vương Đình Huệ nêu.

Điểm đáng lưu ý khác, một số lĩnh vực bảo hiểm ngắn hạn hiện số dư còn khá lớn. Chẳng hạn, do số kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên 90 nghìn tỷ đồng, nên Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới xem xét và ban hành Nghị quyết. Qua đó, dành 1/3 số đó (30 nghìn tỷ) chi hỗ trợ với 6 mức khác nhau cho khoảng 13 triệu người lao động. Ngoài ra cũng giảm đóng cho doanh nghiệp khoảng 8.000 tỷ đồng. “Gói hỗ trợ này rất thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Huệ đánh giá.

Cũng từ quỹ kết dư lớn, theo Chủ tịch Quốc hội, cần rà soát lại mức đóng cho phù hợp khả năng chi trả của ngân sách và khả năng của người dân. “Chúng ta chưa khẳng định mức đóng hiện cao hay thấp, nhưng rà lại cả hai nội dung này để mức kết dư hàng năm phù hợp hơn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cùng cho ý kiến tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập đến ba trụ cột an sinh xã hội: Giảm thiểu rủi ro chính là BHXH, BHYT, BHTN; thứ 2 là khắc phục rủi ro như bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; trụ cột thứ 3 là phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, có năng suất cao, phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực.

“Ba trụ cột an sinh xã hội phải đồng bộ, trên cơ sở tổng kết thực tiễn để có cơ sở pháp lý vững chắc, rõ đến đâu, chín đến đâu, thực tế chứng minh là đúng thì phải luật hóa và nâng tầm lên. Cái nào thấy còn nhiều vấn đề thì cho thí điểm, từ thí điểm đó mở rộng dần ra, không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, lâu nay cứ khi nhắc đến quỹ BHXH lúc nào cũng nói câu cửa miệng là “vỡ quỹ”, nhưng thực tế mấy năm qua kết dư của quỹ tương đối tốt. Do vậy, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn…được chi trả rất tốt. Tuy vậy, tỉ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc đến nay chỉ đạt 33,5%, con số khá thấp so với Nghị quyết 28 đặt ra với tỉ lệ 50%.

Trước đó, thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, đến hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 953 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Quỹ ốm đau, thai sản là 13.472 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là 54.089 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất là 794.920 tỷ đồng và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 90.597 tỷ đồng.

Ủy ban Xã hội cho rằng, các quỹ có tính chất ngắn hạn về cơ bản đều bảo đảm khả năng chi trả, có kết dư lớn và còn có chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa được thực hiện. Về Quỹ hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.