Quốc gia đầu tiên chế tạo bom thông minh

Fritz X là "cha đẻ" của bom thông minh hiện đại. Ảnh: Nationalmuseum
Fritz X là "cha đẻ" của bom thông minh hiện đại. Ảnh: Nationalmuseum
Sự táo bạo của các nhà khoa học Đức với sản phẩm bom có điều khiển Fritz X đã đặt nền móng cho các loại bom thông minh ngày nay.

Theo Ausairpower, năm 1938, khi giới quân sự thế giới hài lòng với sự hủy diệt của những quả bom rơi tự do, các nhà khoa học Đức đã nghĩ đến điều không tưởng là lái chúng đến mục tiêu bằng điều khiển từ xa.

Bom rơi tự do có nhược điểm là độ chính xác không cao. Với mỗi mục tiêu phải sử dụng khá nhiều bom gây tốn kém trong khi hiệu quả không như mong đợi. Ví dụ, lực lượng đồng minh đã sử dụng tới 3.000 tấn bom nhưng không thể đánh sập cầu đường sắt Bielefeld của Đức.

Với các mục tiêu di chuyển như tàu chiến, xe tăng, rất khó tiêu diệt chúng bằng bom rơi tự do. Điều đó đã thôi thúc nhà khoa học Max Kramer của Đức Quốc xã tìm cách lái quả bom trong không trung đến mục tiêu.

Năm 1938, Max Kramer cùng các cộng sự điều khiển từ xa thành công quả bom rơi tự do có trọng lượng 250 kg. Đến năm 1939, nhóm của ông phát triển thành công bộ điều khiển bằng sóng radio sử dụng cho loại bom có điều khiển đặt tên là Fritz X.

Nó có cấu tạo gồm 4 cánh ổn định ở phía trước. Đuôi quả bom được trang bị một bộ điều khiển từ xa hình chữ thập với các cánh hình elip xung quanh. Bom sử dụng 3 bộ kiểm soát khí động học trong đó có 2 bộ dùng để kiểm soát trạng thái ở hai trục. Một bộ con quay hồi chuyển sẽ giữ cho quả bom nằm trong quỹ đạo bay.

Phi công sử dụng sóng radio để điều khiển các cánh lái phía sau đuôi nhằm hướng quả bom đến mục tiêu. Tuy nhiên, cơ chế dẫn đường của bom còn khá sơ khai, phi công phải duy trì việc điều khiển cho đến khi chạm mặt đất.

Bom có điều khiển Fritz X có chiều dài 3,32 mét, đường kính 0,85 mét, chiều rộng của bộ phận điều khiển phía sau 1,4 mét, trọng lượng 1.362 kg, đầu đạn nặng 320 kg, phạm vi hoạt động khoảng 5 km.

Ngày 21/7/1943, Đức Quốc xã lần đầu sử dụng vũ khí có điều khiển trong cuộc đột kích vào cảng Augusta, Italy. Lực lượng đồng minh không biết rằng những quả bom mà máy bay Kampfgeschwader 100 mang theo là loại vũ khí biết bay.

Tháng 9/1943, trong cuộc xâm lược Salerno, Italy, Fritz X đánh trúng tàu tuần dương USS-Savannah của Mỹ khiến con tàu hỏng. Tuần dương HMS-Uganda của Hải quân Hoàng gia Anh chịu chung số phận. Một quả bom khác chệch mục tiêu phát nổ cách tuần dương USS-Philadelphia (CL-41) khoảng 15 mét gây thương vong cho một số thủy thủ.

Quốc gia đầu tiên chế tạo bom thông minh ảnh 1

Những máy bay Kampfgeschwader 100 mang theo bom có điều khiển Fritz X gây nhiều thiệt hại cho lực lượng đồng minh. Ảnh đồ họa: Publishing

Những máy bay Kampfgeschwader 100 trang bị bom có điều khiển gây nhiều tổn thất cho lực lượng hải quân đồng minh và các tàu vận tải. Về sau, các nhà khoa học đã phát triển thiết bị gây nhiễu sóng radio để phá hoại cơ chế điều khiển của bom. Thiết bị gây nhiễu đã làm hạn chế phần nào hiệu quả của vũ khí trong chiến đấu.

Sau khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Mỹ trưng dụng các tài liệu kỹ thuật liên quan đến dự án bom có điều khiển Fritz X làm cơ sở phát triển các loại bom thông minh của họ. Trên cơ sở đó, Mỹ đã phát triển thành công bom thông minh điều khiển bằng tia laser BOLT-117. Họ đã sử dụng nó trong chiến tranh ở Việt Nam.

Bom có điều khiển Fritz X còn khá sơ khai nhưng đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao. Sử dụng sóng radio để điều khiển vũ khí về sau đã trở thành một công nghệ chủ chốt trong việc phát triển các loại vũ khí hiện đại.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG