Quảng cáo, bán thuốc chữa COVID-19 trái phép

0:00 / 0:00
0:00
Phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh: BCT
Phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh: BCT
TP - Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số đối tượng đã rao bán, quảng cáo thuốc điều trị COVID-19 như Molnupiravir, Liên Thanh Hoa Ôn, Xuyên Tâm Liên, Địa Long… trên các trang thông tin điện tử, đặc biệt trên các mạng xã hội. Đáng lo, đây là các thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, gắn mác hàng “xách tay” hoặc các thuốc đang trong thời gian thử nghiệm lâm sàng.

Hiện, nhu cầu, tâm lí phòng chống dịch bệnh của người dân tăng cao, do đó một số tổ chức, cá nhân lợi dụng bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên có hành vi tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm phòng chống được COVID-19…

Như nấm sau mưa

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Nano Xuyên Tâm Liên hành đen “vị thuốc phòng ngừa và điều trị COVID -19” là không chính xác, vi phạm pháp luật về quảng cáo. Sản phẩm này do Công ty TNHH HEALTH MORE (Địa chỉ: Số 10 ngõ 123/31 Thụy Phương, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy không chính xác, vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Quảng cáo, bán thuốc chữa COVID-19 trái phép ảnh 1

Thuốc Molnupiravir đang thử nghiệm tại Việt Nam nhưng được rao bán trên mạng công khai

Ngày 3/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Quản lí thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị COVID-19 có nhãn mác ghi chữ nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, đồng thời không có thông tin đơn vị nhập khẩu và không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế. Theo thông tin rao bán của chủ hàng, có 2 loại thuốc điều trị COVID-19 bị thu giữ chuyên sử dụng để điều trị cho bệnh nhân F0. Trong đó, có loại dành cho người già. Người bán luôn khẳng định là thuốc xách tay từ Nga. Tuy nhiên hiện Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho 2 loại thuốc kể trên.

Đội Quản lí thị trường số 6 (Cục Quản lí thị trường Hà Nội) cũng đã phát hiện và tạm giữ hơn 121 hộp thuốc “điều trị COVID” không rõ nguồn gốc tại một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa ở đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) ngày 31/8. Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở này cũng khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy loại. Sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp 2 lần để kiếm lời.

Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ thông tin không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19 của dược liệu Địa Long. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã khẳng định: “Đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần Địa Long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của Địa Long”.

Xử lí nghiêm

Liên quan đến thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm tại Việt Nam nhưng được quảng cáo tràn lan trên mạng với mức giá hàng triệu đồng 1 hộp, quan điểm của Bộ Y tế phải xử lí nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh lưu hành thuốc điều trị COVID-19 nói chung và thuốc có dược chất Molnupiravir nói riêng vì ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, điều trị bệnh. Trên thực tế, việc mua, bán thuốc này trong thời gian vừa qua xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, qua kênh thông tin của người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Trước đó, để tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng COVID-19 để trục lợi, tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần xuyên tâm liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh do COVID-19 (bao gồm cả các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm phòng chống được COVID-19); yêu cầu thu hồi bản tự công bố sản phẩm, thu hồi sản phẩm vi phạm và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật; công bố công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các trường hợp buôn bán các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, các trường hợp quảng cáo thuốc không đúng, quảng cáo thuốc quá công dụng, tăng giá thuốc không hợp lí, đầu cơ, găm hàng đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc sai mục đích.

Cục Quản lí Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phồ trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch COVID-19 việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng phòng, chống COVID-19. Trong đó yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.